Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Giáo sư Dương Quảng hàm: Có một gia đình người Hà Nội như thế 

Ngôi nhà xưa yêu dấu

Ngày cuối năm, ngôi nhà số 98B Hàng Bông như chật lại, vì những người con, cháu của gia tộc tụ họp đầy đủ để cùng nhau làm giỗ cố GS Dương Quảng Hàm.

Ngôi nhà này khá rộng rãi, có ba tầng do chính GS Dương Quảng Hàm thiết kế, là nơi ở của hai vợ chồng giáo sư và 8 người con. Đã trên 60 năm đi qua, ngôi nhà mà nay người con thứ Dương Trọng Bái đang ở, cảnh vật dường như vẫn còn nguyên. Về ngôi nhà và nền nếp sinh hoạt trong ngôi nhà ấy, nhà văn Lê Văn Ba, người cháu đằng vợ, được giáo sư nuôi từ nhỏ nhớ lại: “Ngôi nhà 98B phố Hàng Bông của GS Dương Quảng Hàm là một ngôi nhà thiết kế xây dựng theo kiểu mới. Đó là ngôi nhà ba tầng, bê tông cốt sắt. Các gian phòng đều có trần cao 4 m. Sàn lát gạch hoa. Cửa sổ có cửa kính, cửa chớp, cửa ra vào đều là những cánh pa-nô gỗ lim, mùa hè được thay bằng những cánh cửa có chấn song cho gió lùa thoáng mát. Trong nhà có đèn điện, quạt trần, máy nước.

Tại ngôi nhà 98B Hàng Bông, năm 1935, đứa con trai út ra đời. Vậy là ông bà có đủ 8 mặt con, bốn trai, bốn gái”. Về nền nếp sinh hoạt của người trong nhà, ông Lê Văn Ba nói tiếp: “Đúng 6 giờ, giáo sư bước vào phòng khách, quần áo chỉnh tề, mái tóc chải ngôi giữa còn hơi ướt vì ông vừa tắm gội xong. Bà giáo cũng vào ngồi bên chồng. Hai vợ chồng thưởng thức chén trà buổi sớm. Rồi ông thong thả giở tờ nhật báo Đông Dương. Vừa đọc cho vợ nghe những tin tức hấp dẫn, ông vừa ân cần giải thích cho bà hiểu những từ khó. Như trong mục “Bàn cờ thế sự” thì phe Trục đánh nhau với phe Đồng Minh, mỗi phe gồm những nước nào? Trân Châu Cảng ở đâu? Hai ông bà nguồi uống trà, đọc báo cho nhau nghe, từ lâu là biểu tượng của hạnh phúc gia đình. Sáng nào cũng thế, những chén trà mở ra một ngày mới tràn ngập vui tươi. Rồi, ông đạp xe đến trường dạy học. Bà ở nhà bận rộn với cửa hàng. Nhiều khi bà lên phố cất hàng…”. 

Nhưng rồi, những ngày tháng êm đềm như thế không còn nữa, khi phát xít Nhật tấn công Lạng Sơn, Trường Bưởi bị lấy làm trại lính… Ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 qua đi, rồi toàn quốc kháng chiến…, mỗi số phận con người cũng xoay vần theo dòng bão táp của lịch sử dân tộc.

Truyền thống gia đình
 
GS Dương Quảng hàm được sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, ở ngôi làng mà nghe đến tên đã biết là trù phú – làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, Hưng Yên. Là đất “địa linh nhân kiệt”, cụ nội là Dương Duy Thanh (1804-1861), từng là Đốc học Hà Nội; anh cả là Dương Bá Trạc, đỗ Cử nhân năm 17 tuổi, một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, bị đày đi Côn Đảo năm 1909; anh trai thứ ba là Dương Tự Nguyên sang Nhật theo phong trào Đông Du; em trai út là Dương Tự Quán là nhà biên khảo, thân sinh ra nhà thơ, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý… Hiện nay ở Tp. Hồ Chí Minh có ba con đường mang tên Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm và Dương Tự Quán. Ở Hà Nội và Hưng Yên có đường Dương Quảng Hàm và trường học mang tên Dương Bá Trạc. Họa sĩ Dương Bích Liên là anh em con chú bác với GS. Dương Quảng Hàm.
Sau khi đỗ thủ khoa Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông Dương Quảng Hàm được về dạy tại trường Trung học Bảo hộ, tức là trường Bưởi danh tiếng. Trong thời gian dạy ở đây, GS Dương Quảng Hàm đã viết nên những cuốn kinh điển như: Leccons d’ histoire d’ An Nam (1927), Tập bài thi bằng sơ học yếu lược (1926, soạn cùng Dương Tự Quán), Quốc văn trích diễm (1927), Việt văn giáo khoa thư (1940). Song có giá trị nghiên cứu rõ rệt là hai cuốn Việt Nam văn học sử yếu (1941) và Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942).

Trong cuốn sách viết về người bác nuôi, nhà văn Lê Văn Ba viết: Thực dân Pháp muốn lấy lòng các giáo sư người Việt, đã cho các giáo sư tốt nghiệp cử nhân ở Pháp về được lĩnh lương Tây. Một số giáo sư tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương trong đó có GS Dương Quảng Hàm cũng được đề nghị vào “ngạch” Tây, hưởng lương Tây cao hơn “lương ta” gấp 3 lần. Nếu kể cả phụ cấp vợ, con, có người đang từ 15- đồng sẽ lĩnh mỗi tháng 1.000 đồng (giá gạo ngon vẫn chỉ 2 đồng/ tạ). Nhưng Dương Quảng Hàm cùng nhiều bạn đồng nghiệp đã từ chối… Giữ vững sự phân biệt, ở thời điểm này là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, cũng là thể hiện phẩm chất, danh dự người thầy, người Việt Nam.

Nhiều cuốn sách về nghiên cứu văn học ra đời trong khoảng thời gian đó: “Việt Nam văn hóa sử cương”, “Thi nhân Việt Nam”, “Nhà văn hiện đại”… nhưng bộ “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm xuất bản năm 1941 được đánh giá có quy mô bao quát và chiều sâu học thuật hơn cả.

Dương Quảng Hàm trăn trở với hoàn cảnh đất nước lúc ấy: “Giả sử các nhà cầm quyền nước ta về đầu thế kỷ XIX biết, sau khi đã dẹp yên trong nước, một mặt thì canh cải việc nội chính, ngoại giao cho hợp thời thế, một mặt thì đón thầy chuyên ngoại quốc đến mở trường dạy các khoa học, các kỹ nghệ để chỉnh đốn việc binh bị, việc kinh tế và phái người nước ta sang du học bên châu Âu để học lấy những kho thực dụng, những phương pháp mới rồi về chủ trương việc chính trị và việc khai thác tài nguyên trong xứ thì nước ta cũng có thể trở nên một nước giàu mạnh được. Hiềm vì triều đình nhà Nguyễn và sĩ phu trong nước lại cứ theo khuôn phép cũ không hề canh cải điều gì…”.

Trong 9 câu mở đầu của cuốn “Việt Nam văn học sử yếu”, ông láy đi láy lại nhiều lần “lịch sử nước ta”, “văn học sử của ta”, “những tác phẩm của ta”, “văn tịch nước ta”, “sử sách nước ta”… Hai tiếng “nước ta, của ta” vang lên tha thiết, làm thức tỉnh ý thức dân tộc trong trái tim thế hệ trẻ. Điều đáng ngạc nhiên, cuốn sách này, những lời ái quốc thiết tha này là của một người đang ở ngay trong “pháo đài” của trung tâm giáo hóa của chủ nghĩa thực dân – trường Bưởi.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, GS Dương Quảng Hàm được Chính phủ cách mạng cử làm Hiệu trưởng ngay chính ngôi trường này, sau khi đổi tên là Trường Chu Văn An, đồng thời là Thanh tra Trung học vụ.

Giáo sư với các con

Người ta thường tìm những từ có ý nghĩa nhất đặt tên cho các con. Đây là biểu hiện tình cảm yêu thương, sự kỳ vọng ở lớp trẻ, ở thế hệ tương lai. Cũng là nét văn hóa thể hiện sự nối dõi dài lâu dòng giống, nối chí, nối nghiệp ông cha họ tộc.

Nối tiếp truyền thống gia đình, và ước nguyện gửi gắm sâu xa của cha, cả 8 người con đều đi theo cách mạng, đều cố gắng học tập, nghiên cứu, đóng góp xứng đáng cho xã hội, được xã hội trân trọng: Người con cả là Bác sĩ, thạc sĩ Dương Bá Bành; con trai thứ là AHLĐ. GS. NGND Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội; người con gái Dương Thị Thoa, tức Lê Thi, cô gái Hà Nội có vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trên quảng trường Ba Đình trong Lễ Độc lập 2-9-1945, sau là Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin; Bác sĩ Dương Thị Cương được phong danh hiệu Giáo sư, Bác sĩ, Viện trưởng Viện Phụ sản Trung ương, từng đoạt giải Kovalevkaia… Hiện nay, bốn người con còn sống, cùng với những người cháu đang viết tiếp truyền thống vinh quang của đại gia đình.

Mỗi năm các gia đình trong dòng họ cùng nhau viếng thăm nghĩa trang gia tộc ở xã Mễ Sở. Trong nghĩa trang, có một ngôi mộ tượng trưng, đặt bia ghi danh là GS Dương Quảng Hàm, nhưng bên dưới thì không có cốt. Vì giáo sư cùng với hàng nghìn người khác đã hy sinh trong nội thành, trong 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà không tìm thấy thi hài.

Khi Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Việt Bắc, và nhân dân Hà Nội di tản, khi vợ con di tản về quê, người của cách mạng đến bảo vệ GS Dương Quảng Hàm đi theo đoàn, thì giáo sư nói: “Chỉ mới có lệnh của Chính phủ cho học sinh tản cư, chưa có lệnh cho hiệu trưởng tản cư”. Thế là, GS Dương Quảng Hàm, cùng với người con là Lê Thi, nữ sinh Trung học, làm cán bộ tuyên truyền của Liên khu I đã ở lại chiến đấu cùng với các cảm tử quân. Giáo sư đã hy sinh, thân xác hòa lẫn với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi này.

Đặng Viết Trường
Nguồn: Báo Công Lý

CÁC DẤU HIỆU VỀ CĂN BỆNH UNG THƯ


Có những triệu chứng tưởng chừng rất mơ hồ nhưng nếu bạn không chủ quan, sớm nhận biết và được chẩn đoán đúng, nhiều khả năng giúp bạn "thoát" được những căn bệnh hiểm nghèo.

  1. Dấu hiệu cảnh báo ung thư
Khi ung thư vừa phát sẽ không thấy đau đớn hay có dấu hiệu nào nên các xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng. Khi ung thư phát triển theo các loại khác nhau, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể xuất phát từ nguyên nhân khác. Nên đi gặp bác sĩ. Trong nhiều trường hợp phát hiện và điều trị ung thư càng sớm càng có nhiều cơ may chữa dứt bệnh

Ung thư bàng quang:

- Tiểu ra máu. Nước tiểu có màu đỏ sậm hay mờ nhạt, lợn cợn.
- Đau buốt khi tiểu..
- Đi tiểu nhiều lần hay tiểu gấp

Ung thư vú:

- Cảm thấy có một cục u dày lên trong ngực, vùng xung quanh, dọc theo vùng xương cổ và dưới bầu vú hay vùng nách.
- Thay đổi kích cỡ hay hình dáng bầu vú.
- Chảy nước (không phải sữa) hay máu từ núm vú.
- Thay đổi màu sắc hay cảm giác ở da vú. Núm vú, hay quầng vú (vùng thâm xung quanh núm vú). Da vú bị co rút, nhăn hay có vảy.

Mặc dù hiếm, đàn ông vẫn có thể bị ung thư vú và nếu thấy một cục trong vú nên đi gặp bác sĩ.

Ung thư đại tràng, trực tràng:

- Thay đổi thói quen đi cầu
- Táo bón. Đi cầu nhiều lần và hay phân lỏng bất thường.
- Cảm thấy ruột luôn đầy.
- Máu nằm trong hay ngoài phân. Có thể màu đỏ sậm hay đỏ tươi.
- Phân ra hẹp hơn bình thường.
- Bao tử phình to, đầy hay co rút.
- Thường sình hơi.
- Sụt cân không lý do.
- Mệt mỏi thườ;ng xuyên.

Ung thư thận:

- Tiểu ra máu
- Một khối ở vùng hông
- Đau mơ hồ vùng lưng hay vùng hông
- Ho không rõ nguyên nhân trên ba tuần

Ung thư phổi:

- Ho kéo dài, có thể là ho vì hút thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tức ngực. Có người bị đau lưng.
- Khàn tiếng.
- Thở đứt quãng hay khò kkhè.
- Viêm phổi hay viêm cuốn phổi nhiều lần.
- Ho ra máu.
- Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân.
- Cảm thấy vai, cánh tay, bàn tay yếu đi.

Ung thư buồng trứng:

Thường không có triệu chứng sớm. Khi có triệu chứng, các dấu hiệu bao gồm:
- Sưng nề hay khó chịu vùng bụng dưới
- Cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn nhẹ. Sụt cân và chán ăn
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn ói
- Tiêu chảy, bón hay tiểu nhiều lần
- Chảy máu từ âm đạo
Thường thì ung thư đã phát tán ở thời điểm phát hiện

Ung thư tuyến tiền liệt:

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không có triệu chứng.
Nếu có, các dấu hiệu này là:

- Đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm
- Khó tiểu, nhất là lúc bắt đầu, khó giữ lại nước tiểu hay không tiểu được
- Dòng nước tiểu yếu hay bị gián đoạn
- Đau hay cảm giác rát bỏng khi đi tiểu
- Đau khi phóng tinh
- Máu trong nước tiểu hay tinh dịch
- Đau kéo dài hay cứng vùng phía dưới lưng, hông hay bắp đùi.

Ung thư tinh hoàn:

-Một khối ở tinh hoàn
- Cảm giác nặng ở bìu
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới hay ở hang
- Đột ngột có nước ở bìu
- Đau hay khó chịu một bên tinh hoàn hay bìu
- Vú to lên hay nặng
Đàn ông từ 15 tuổi trở lên nên tự khám tinh hoàn đều đặn để phát hiện khối u hay thay đổi kích thước, hình dạng tinh hoàn

Ung thư họng:

- Khàn tiếng hay thay đổi giọng nói
- Khối ở vùng cổ hay cảm giác có một cục trong họng
- Ho kéo dài
- Khó nuốt. Cảm giác nặng hay rát bỏng khi nuốt
- Thường xuyên bị khó tiêu và nóng ngực. Hay bị ói hay nghẹn.
- Đau trong ngực hay trong họng

2. Những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường:

1/3 người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh.
Nên đi gặp bác sĩ ngay nếu bạn có ít nhất một trong các dấu hiệu sau :
- Tiểu nhiều lần
- Khát quá mức
- Đói quá mức
- Sụt cân bất thường
- Mỏi mệt
- Bứt rứt
- Mờ mắt

Ở tiểu đường loại 1, các triệu chứng diễn ra nhanh chóng hơn. Với loại này, cơ thể không tạo được Insulin hay số lượng rất ít

Ở tiểu đường loại 2, các triệu chứng diễn ra chậm hơn. Cơ thể không tạo ra đủ Insulin hay tạo ra không đúng cách. Loại này thường gặp ở người trên 40 tuổi, béo phì và không tập thể dục.
Tiền tiểu đường xảy ra trước khi bị tiểu đường loại 2. Chẩn đoán và điều trị loại này giúp bạn không bị tiểu đường loại 2.
Tiểu đường có thể diễn ra âm thầm không triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng

3. Những dấu hiệu cảnh báo lên cơn đau tim (heart attack):

- Khó chịu ở ngực. Thường diễn ra trên vài phút hay biến mất rồi bị lại, cảm giác giống như đè ép, nặng ngực hay đau.
- Khó chịu ở nửa trên thân người. Có thể đau hay khó chịu ở một hay hai tay hay ở lưng, cổ, hàm hay vùng bao tử
- Thở gấp.Thường đi kèm với khó chịu ở ngực nhưng cũng có thể xảy ra trước đó
- Các triệu chứng khác. Bao gồm vã mồ hôi lạnh, buồn ói hay đầu óc quay cuồng

Triệu chứng thường gặp nhất ở cả nam lẫn nữ là đau hay khó chịu ở ngực... Nhưng phụ nữ thường có thêm các dấu hiệu khác như thở gấp, buồn ói và đau lưng hay đau hàm

Nếu có dấu hiệu cảnh báo đau tim, nên đi cấp cứu ngay

4. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ (stroke):

- Đột ngột bị tê hay yếu ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên người
- Đột nhiên bị lẫn lộn, khó nói chuyện hay nói bậy bạ vô nghĩa
- Đột ngột khó nhìn ở một hay hai mắt
- Đột ngột khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng hay không phối hợp được
- Đột ngột nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

Đây là hướng dẫn chung. Nếu bạn có nhiều nguy cơ bệnh tật, các xét nghiệm nên làm sớm hơn. Các xét nghiệm phụ trợ như tầm soát tiểu đường hay tăng nhãn áp cũng có thể cần thiết. Nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.