Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012


Bà Bao Công nhỏ

 Tặng chị Nguyễn Thị Tú, Thẩm phán Toà Dân sự, TAND Tối cao.


Vừa chân ướt chân ráo về, Tú đã bị ông Chánh án huyện căn vặn: 
- Cô với bị cáo có quan hệ gì với nhau không? Tại sao, hôm nay xử bị cáo, cô làm Thư ký mà cô lại tỏ ra thân mật, đèo bị cáo như vậy?
- Dạ, cháu không có quan hệ gì đâu. Chỉ là, chỉ là… Tú lắp bắp giải thích với ông chánh án. Rồi, Tú tự hỏi, mà mình làm như vậy có sai không?
Ngày đó Tú vừa tốt nghiệp lớp đại học pháp lý, được điều về một Tòa án huyện vùng trung du. Hôm đó, Tú được phân làm Thư ký cho một phiên lưu động ở một xã xa trung tâm. Trời mùa hè nắng như đổ lửa, trải cái nóng bỏng như chảo rang trên con đường đất Tú đến nơi xử án. Trên đường đi, Tú gặp một thanh niên đang cuốc bộ. Tú đã dừng lại cho người thanh niên đó đi nhờ. Trên đường đi Tú mới biết, đó là Mùa A Tráng, là bị cáo trong vụ án mà cô là thành viên xét xử. Cũng vì thương anh ta đi đầu trần mà cuốc bộ vội…  
Chỉ là lòng thương người, mà Tú bị ông Chánh án thay, không cho làm Thư ký phiên xử đó nữa. Tú khóc rưng rức. Nhưng, đó là bài học đầu đời khi bước chân vào nghề. Tú nhớ lại… Chuyện đó đã ba mươi năm rồi còn gì. Hôm nay, khi vừa làm chủ tọa phiên tòa, là phiên kết thúc năm mà Tú cứ bần thần chuyện xưa…
Trong phòng xử án, mọi người đã ra về hết, không còn tiếc khóc van lơn của bị cáo khi bị tuyên, không còn tiếng ồn ào của đám đông dự khán… Chỉ còn mình Tú ngồi thừ trên bàn chủ tọa, vắng và yên ắng đến lạnh người. Vẫn là chốn pháp đình, với những hàng ghế đen nhẵn bóng, mòn vẹn do đã bao người ngồi, bao số phận con người đã được định đoạt. Tú xách cặp lững thững bước ra ngoài sân tòa. Bóng tối nhập nhoạng. Chả còn ai. Không còn cái ồn ào của những phiên tòa chật ních người đến dự, bây giờ chỉ có tiếng lá xà cừ, lá sấu rơi nhẹ trên sân tòa. Bác bảo vệ đến gần: “Ô, chị chưa về à. Tôi đã định đóng cửa…” Tiếng bác bảo vệ làm chị gật mình dừng dòng nghĩ suy, trở về với thực tại.
Về tới nhà, chị để chiếc cặp trên bàn mà mặt mày cứ bần thần, căng thẳng như chính mình bị hỏi cung. Chị nghĩ về phiên tòa phúc thẩm hôm nay, xử một vụ án giết người. Một con bé oshin, đang tâm giết hai vợ chồng ông cụ già, để lấy đi mấy trăm triệu trong két sắt.
Trong đời thẩm phán của mình, có những vụ án thoáng qua, nhưng cũng có không ít vụ án để lại dư chấn, làm chị đau nhói trong tim. Chị tuyên án xong mà thấy trong lòng nặng trĩu và mệt nhoài. Lúc nghị án, hội đồng xét xử gồm 5 người thì 4 người bỏ phiếu tử hình, còn một phiếu chung thân là của chị.  Quyết định một án tử hình luôn là không hề đơn giản, trái tim chị đã nhiều lúc run rẩy vì đau cho những phận người. Khi tuyên án con bé này tử hình, giọng chị đã lạc đi. Về nhà, bên chồng và bên đứa con yêu, chị ngồi thừ ra không ăn cơm. Đứa con chỉ nhìn mẹ rồi nhìn ba:
- Hay là ba có lỗi gì với mẹ. Hay là mẹ ốm, mẹ ốm thế nào thì cũng phải nói ra chứ? Mẹ cứ làm thế ba con con sợ lắm. Hay là ba có lỗi gì với mẹ? Anh cũng tự hỏi:
- Em ơi, hay anh có lỗi gì với em? Mấy hôm anh đi công tác phía Nam, theo kế hoạch là một tuần về, nhưng sau do công việc phát sinh, chưa giải quyết xong nên về không đúng như nói với em. Em cho anh xin lỗi nhé! Đừng giận anh mà tội nghiệp anh! Chị cứ nghe anh giãi bày như vậy, mà cười thầm trong lòng: “Ai giận anh chứ, chồng em ngoan như vậy thì ai thèm giận”. Nhưng chị buồn, nên chả nói ra, khiến anh càng lo thêm. Anh lại giảng giải tiếp:
- Em làm thẩm phán mà em chả nhân đạo tý gì, anh đã có lỗi anh xin lỗi rồi mà em không khoan hồng. Pháp luật của chúng ta rất nhân đạo mà, em xử người ngoài thì nhân đạo còn với anh thì hình như là không?  Anh dù thỉnh thoảng ông tác xa dài ngày như vậy, nhưng không hề làm điều sai với em. Em mà cứ đọc báo, nghe người ta nói là “ăn chả ăn nem”, hay ngoại tình gì đó là không đúng đâu. Anh xin thề là anh chưa khi nào phản bội em. Em cứ im lặng làm anh sợ lắm! Anh nói thế làm chị không chịu được, chị nói:
- Khổ lắm phu quân của em ơi, chưa khảo mà anh đã cung khai. Anh là bị cáo hơi bị ngoan đấy. Chủ tọa đã hỏi đâu mà khai nhiều thế, khai thật thà để được khoan hồng à. Anh có lỗi nào đâu. Em buồn và bị stress là việc khác, việc cơ quan.
Chuyện gì vậy, vụ xử hôm nay làm gì mà khiến chị day dứt vậy: Bị cáo giết người, nó là con bé còn tuổi “teen” cùng quê, đồng hương với mình nữa chứ. Đó là vùng quê nằm trên dòng sông Hóa. Con bé nhà quê, vốn chăm chỉ hạt bột, có năm lên phố làm oshin mà nó thay đổi đến thế. Nó đua đòi ăn chơi, lại bập vào yêu một thằng tóc đỏ hue… Nghe theo người yêu nó giết gia chủ, ăn cắp tiền đi chơi Valentine. Chị run lên vì giận dữ, cứ nhìn cái mặt nó cứ câng câng lên, trả lời chủ tọa cứ tưng tửng chả có cảm xúc... Thôi, cho nó tử hình. Một quyết định khó khăn. Bao đêm thao thức nghiên cứu hồ sơ vụ án, chị đã không ngủ được. Chồng chị hỏi, “em đi ngủ thôi, thức khuya là hại sức khỏe lắm! Em có điều gì muộn phiền à, anh có thể giúp gì?”. Anh gặng hỏi, chị chỉ ậm ừ.
Đọc hồ sơ rồi chị nhớ lại bằng tuổi nó bây giờ, cũng ở vùng quê ấy, chị đang đi học. Khi đó hai chị em, sống cùng mẹ và ông bà nội. Mẹ tảo tần nuôi hai chị em ăn học, và chăm sóc ông bà nội, vì ba chị đi “B” vào Nam chiến đấu. Ba là công an vũ trang, được phái vào Nam thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Khi đi, ông chỉ nói: “Con ở nhà mạnh giỏi. Con bảo em con cũng phải học giỏi, ba đi rồi ba lại về…”. Tiễn cha nơi phố huyện nghèo, Tú còn nhìn theo cha vẫy vẫy tay thì đoàn xe với những người lính mặc áo xanh với mũ tai bèo đi khuất. Nước mắt Tú rịn ra dàn dụa… Đó là lần chia tay ba cuối cùng, ba không về với ba mẹ con nữa, không về với ông bà nội nữa. Bị cáo hôm nay, con bé này cùng quê nghèo ấy đã làm tuổi ấu thơ của chị hiện về như vậy. Nó bằng tuổi chị khi ấy, mà lại đang tâm giết người…
            Xử xong vụ án này, chị như rạc người đi. Anh phải đi cắt mấy thang thuốc bắc về cho chị uống, cho lại người. Chị nói, em chả có bệnh gì đâu, anh và con đừng có lo, em hay cả nghĩ, chỉ nghĩ ngợi linh tinh tý thôi, rồi em sẽ ổn. Chị nói với chồng và con là về thăm quê, vì công việc bận rộn nên lâu chưa về quê. Về quê cũng là về miền êm ái, là cách để lấy lại thăng bằng, như sau bất kỳ những va đập nào nơi phố thị. Quê chị, bên bờ sông Hóa rất đẹp. Chị ngồi trên bờ đê, gió thổi mát rượi mà bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ hiện về, với những ngày vừa ôm sách học bài vừa trông trâu, còn thằng em nghịch ngợm hay thả diều trên triền đê với những rặng tre ngăn ngắt. Con sông Hóa hiền hòa, tuy cũng có năm lũ lụt đe dọa cả làng. Hôm nay triền đê hoang hoải gió, và cái nắng hanh hao, như đưa lại những kỷ niệm từ xa xưa…  Năm ấy, chị trọ học ở trường huyện cách nhà hơn 10 cây số, mà đi bộ. Năm ấy là đại hồng thủy, nước lũ về tràn qua mặt đê, cánh đồng Cổ Cò của làng ngập trắng nước. Mẹ và em trai chạy ra ngoài đình chỗ đất cao, khóc đứng khóc ngồi vì đứa con đi học chưa về. Bà lo. Chồng hi sinh chiến trận, đứa con là cục vàng cục bạc, nó có mệnh hệ nào thì bà sao sống nổi.
Từ những bức thư từ chiến trường xa của ba, chị đọc cho cả nhà nghe ấy, mà nuôi dưỡng tình yêu văn học nơi chị. Trong các khối lớp, chị luôn là học sinh giỏi văn. Những bài văn của chị luôn được cô giáo đọc làm mẫu cho cả lớp, và những bài thơ đăng báo tường. Chị thi vào khoa văn thế rồi, run rủi hay định mệnh thế nào người ta lại được phân chị vào khoa pháp lý. Trên giảng đường, chị nhớ lời thầy dạy: “Các anh các chị, khi đứng là chủ tọa phiên tòa, là thẩm phán, khi xét xử thì “nhân danh nước CHXHCN Việt Nam”, có ngành nào lại nói rõ là “nhân danh” cả một đất nước mấy chục triệu người, với lịch sử văn hiến 4 ngàn năm không? Anh chị vinh dự vậy thì phải tỏ ra xứng đáng. Anh chị nên nhớ, ngay khi chúng ta đang ngồi đây học tập thế này, thì có hàng triệu người con trai con gái lớp lớp ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, để các anh các chị có đất nước mà nhân danh đấy! Phải biết tự hào về cái nghề nghiệp của mình”. Ba chị, là một trong cái lớp lớp người ấy, ông đã hi sinh ngoài chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, kỷ niệm ấy in đậm trong tâm trí, trong cuốn sổ nhật ký bằng thứ giấy đen màu rơm vàng lại càng vàng hơn qua thời gian. Không ngờ, thay vì yêu văn học, trái tim nhạy cảm của chị bắt đầu yêu ngành Tòa án, vô tình và giản dị thế.
            Nếu như người ta nói, sau người đàn ông thành đạt thì hậu phương là người phụ nữ đảm đang, thì cả anh chị đây đều thành đạt và đều là hậu phương vững cho nhau. Anh khen và yêu chị vì chị nữ tính, một người con gái giàu tình cả. Điều đó cũng làm anh ngạc nhiên, tính cách của chị như vậy mà làm ngành tòa án, có vẻ tréo ngoe! Và cả đám bạn từ hồi học phổ thông ở quê, cũng không ai ngờ, chị lại là thẩm phán, là một quan tòa ở trung ương, có quyền sinh quyền sát trong tay với bao số phận con người. Khi về họp lớp, cùng mấy người bạn học thăm lại thầy giáo làng năm xưa, thầy giáo cứ nắm tay Tú mà rằng, thầy không ngờ cô bé học giỏi văn, làm thơ rất hay và cũng hay nhút nhát, có lần thầy chỉ mắng nhẹ cũng đã khóc ty tỷ thế mà bây giờ làm bao công xử án.

            Chị bàn với chồng:
- Em chỉ còn công tác vài năm nữa. Khi nghỉ hưu, anh cho phép em làm những gì em thích nhé?
- Tất nhiên rồi, anh luôn ủng hộ em. Anh nói.
- Là thế này, em ý định mở một văn phòng luật tại nhà. Tất nhiên văn phòng luật không vì mục đích kinh doanh, mà để tư vấn pháp lý miễn phí cho những người nông dân nghèo nhưng trình độ hạn chế. Em đau lòng lắm, khi nhiều người nông dân rất nghèo từ các tỉnh rất xa, lên Hà Nội kiện cáo, mà xuất phát từ những lý do không đâu vào đâu. Rồi người ta tố cáo vượt cấp, gửi đơn tố cáo đến cơ quan không đúng chức năng, hay vượt cấp, làm cho xã hội cứ rối tinh lên không đáng có. Xã hội muốn phát triển phải chăm lo cho cái gốc, công lý phải được tôn trọng, đó là mục đích của việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc bảo đảm công lý, kỷ cương xã hội, nơi người thấp cổ bé họng là nhiệm vụ và thước đo sự tiến bộ của một nhà nước. Trước kia, ở Thăng Long, nhà vua cho đặt chiếc trống gọi là trống Đăng Văn, để có người dân nào bị oan ức thì cứ gióng ba hồi thì nhà vua sẽ trực tiếp ra xét xử. Tất nhiên khi đó xã hội đâu có phức tạp như bây giờ, xã hội càng phát triển thì các rường mối quan hệ càng phức tạp… Nhiều vụ mà người dân phạm do vô tình không hiểu pháp luật, mà bị vướng vào vòng lao lý.
            - Ôi, em ơi. Em bỏ nghề Thẩm phán, làm nghề Tuyên giáo cho anh đấy à! Đêm cuối năm, khi cả nhà vừa ăn tất niên, chuẩn bị đón giao thừa, chị ôm anh, nói:
- “Em xin lỗi anh, vì em cả nghĩ, vì em đã mang cái lo nghĩ về nhà mình. Chúng ta đã thống nhất, việc cơ quan cứ để cơ quan, không đem về gia đình nhỏ của mình rồi. Nhưng em…”.
 - Ồ vậy à, thế mà anh cứ tưởng em giận anh cái vụ anh đi công tác lâu ngày, rồi bồ bịch với cô nào. Mà bà Bao Công nhỏ của anh! Làm Bao Công phải cứng rắn lên chứ, em mà yếu đuối thì bọn tội phạm nó cười cho đấy! Chị đấm thùm thụp vào lưng chồng.
Ngoài kia, giao thừa đang về, đem theo mùa xuân tới.

                                                                       

                                              

QUAN XÃ

                                                        Truyện ngắn của Đặng Viết Trường 

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Sự việc thế mà rồi bung bét ra... Hơn nữa, ông Bùi Đình Khoa còn là quan chức của xã, sự việc cứ um cả lên, bởi có ai bịt được mồm thiên hạ đâu. Cặp bồ với nữ công nhân khu công nghiệp, không chỉ tan cửa nát nhà, quan xã còn mất chức, mà còn là đối tượng điều tra tham nhũng đất đai…

Lá đơn li dị của bà Xuân đã được tòa xem xét. Tòa án huyện gọi hai vợ chồng ông Bùi Đình Khoa lên để hòa giải, phải rõ ràng ra. Hôn nhân một vợ một chồng, không thể có chuyện ăn ở đa thế như thế được. Cũng vì dính vào vụ “scandal tình ái”, nên con đường quan lộ của ông Khoa, Phó Chủ thịch xã tưởng như diều đang lên thì bị đứt dây. Ông Khoa đã tốn bao tiền chạy chọt để khóa này lên Chủ tịch, ấy vậy khi sát nút thì dính vụ này, nên đối thủ đã vượt lên.
Mấy năm gần đây, ở vùng phía Nam của thành phố Hải Phòng, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp chuyển biến thành khu công nghiệp diễn ra phải nói là nhanh. Không khỏi ngỡ ngàng, khi cả vùng rộng lớn trước kia là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay thì nay thành nhà máy xí nghiệp. Thế là tất yếu, từ khắp xứ công nhân kéo đến. Nông dân bị mất đất nông nghiệp, được đến bù những khoản tiền lớn mà có khi họ nằm mơ, cũng chả dám nghĩ tới. Từ những chuyển biến ấy, mà xảy ra những chuyện dở khóc dở cười ở chốn làng quê.
Khi chả còn ruộng nữa, thì đàn bà chả có chỗ mà cấy hái; đàn ông chả có chỗ mà cày bừa nữa. Người ta nói, khi nhàn quá thì dễ sinh ra những việc làm không thiện. Đàn ông suốt ngày la cà quán xá, hết đánh lô đề, bia bọt, lại nháy nhó với nhau đi chim chuột. Người dân làm nông nghiệp khi mất đất thì nhàn như vậy, nhưng hàng ngũ quan chức của xã thì quá nhiều việc. Như ông Khoa, từ ngày lên chức Phó Chủ tịch xã thì cứ đi tối ngày. Bà Xuân, vợ ông cũng thông cảm cho chồng, vì công việc lãnh đạo, công tác sự vụ, nhất vì việc giải phóng mặt bằng, bên trên đốc thúc thì lãnh đạo xã phải thực hiện. Hết công việc, lại người nọ chèo người kia kéo lão đi nhậu, giao lưu. Đúng là từ ngày trên địa bàn xã mở mấy nhà máy, lãnh đạo xã cũng bận rộn. Trong những lúc làm ăn, quan hệ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền, không chỉ đãi đằng nhau ăn uống nhậu nhẹt, mà cả rủ nhau đi chơi em út. Bà Xuân, khi đi chợ cũng biết, cả cái tuyến quốc lộ chạy qua làng, từ khi có khu công nghiệp mở ra, cũng mở ra hàng loạt quán cà-phê, karaoke đèn xanh đỏ nhấp nháy tới khuya, con gái con đứa ăn mặc hở hang, mắt xanh mỏ đỏ không biết ở đâu đổ về nhiều thế. Ông Khoa, đi sớm về khuya nói là do công việc nhưng theo mấy bà bạn mách thì cả “đi ngang về tắt”.  Đến tai bà Xuân, bà đã vặn hỏi chồng:
- Ông liệu cái hồn đấy! Tôi nghe dư luận nói, người ta nhìn thấy ông  vào cái nhà nghỉ có quán karaoke của mụ gì ấy… Ông Khoa nổi xung lên, nói át cả vợ:
- Bà cứ nghe đặt điều. Bà không biết tôi đang vất vả phấn đấu vì cái nhà này à. Bà xem, Bí thư đã có ô tô đi, tôi đang phấn đấu lên Chủ tịch, năm sau cũng sắm cái Lacetti, thỉnh thoảng chở bà đi mà chả sướng à. Giờ bọn chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư nó đang cần mình, giúp lấy đất cho nó. Mình giúp nó, thì nó chi tiền bó túi mà chả sướng à. Mấy anh lãnh đạo huyện cũng động viên, “chú cũng phải làm cái xế hộp mà đi, vừa cho nó đẹp đội hình, mà bọn doanh nghiệp nó đỡ khinh!”. Bà Xuân nghe chồng nói vậy cũng có lí, hởi lòng hởi dạ. Thì thôi, ông ấy là lãnh đạo, quan hệ ngoại giao rộng là lẽ thường, thì hôm về muộn cũng là đương nhiên.
Chả bao lâu sau, dù chưa lên chức Chủ tịch, nhưng ông Khoa cũng cố gắng và đã sắm được con xế hộp. Một buổi chiều hiếm hoi ông Khoa ở nhà, đang cầm cái chổi lông lau lau bụi trên mặt kính ô tô, cười híp mắt nói với tôi:
- Cũng phải cố gắng sắm chứ. Khi có việc, lãnh đạo huyện ới một cái là phải lên đường ngay. Việc ngoại giao không đùa được, nó phải tươm một tý. Chú trông anh bụng to thế này, giờ ngồi bình bịch không thể được.
- Ngạc nhiên là ông anh tiến bộ nhanh quá! Tôi khen.
- Đúng là ngồi xế hôp nó vẫn khoái! Theo các bố trên huyện cũng mệt ra trò, nhưng làm lãnh đạo cũng có cái hay!
- Hay quá chứ, mà mấy ai được cái số sướng như ông anh! Tôi khen thêm. Hôm ấy, tôi có vinh dự được lai rai với hàng ngũ quan chức của xã. Khi đã được vài chầu, câu chuyện đã thân tình, hết chuyện về đất cát, khu đồng này giải tỏa, khu đồng kia sắp có dự án, lại về chuyện gái gú. Anh Khoa vỗ vai tôi, hỏi:
- “cái kia” của chú còn tốt không? Làm thằng đàn ông, “cái kia” mà yếu thì buồn lắm! Làm vua, hay làm tướng ở đâu đâu, cũng vứt đi, nếu để chị em buồn… Anh Khoa lại cười híp mắt, nháy nháy đầy ẩn ý.
- Nhưng, nếu “khỏe quá” thì “khổ vợ khổ con” chứ! Tôi nói. Anh Khoa lại vỗ vai tôi cái “bộp” một cái:
- Chú em ra ngoài, nhưng xem ra vẫn còn ngu ngơ hơn cánh thôn quê chúng tôi. Con mái già nhà anh ở nhà thì xếp xó  ở đấy, phải “viễn chinh” bên ngoài chứ, chú nghĩ anh không có “căn cứ” à?
- Kiếm ở đâu thế, ông anh? Tôi thật thà hỏi.
- Đầy. Gái ở khu công nghiệp nhà mình chứ đâu xa. Rau sạch ấy, toàn gái quê chân chất cả. Chú biết lương của nó được bao nhiêu không, hơn một triệu. Thử hỏi chú, tivi nói ấy, lạm phát thế thì sống sao nổi. Khi đó, anh cầm tiền  đi làm từ thiện, anh cho mấy em xinh xinh ấy chút tiền. Em ấy vừa thiếu tình, vừa thiếu tiền mà.
À, tôi hiểu rồi. Thảo nào bà chị Xuân, khi thấy thiên hạ nói về chồng mình “đi ngang về tắt” thì cứ lồng lên, nhưng chỉ nghe thôi, có tang chứng nào đâu. Nhưng, thật ra thì tôi biết được tang chứng. Anh Khoa, Phó Chủ tịch dan díu với cô Hoa, người dân tộc Thái ở Hòa Bình xuống đây làm công nhân da giày. Tuổi mới lớn mơn mởn, Hoa đẹp rục rỡ như bông hoa ban nở sớm mai. Chỉ là “ăn vụng, ăn trộm” tý chút thôi, nhưng không hiểu do sắc đẹp, hay do bài bùa mê thuốc lú của người dân tộc mà ông Khoa không dứt ra được. Thế rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, hơn nữa là dư luận làng nước, tai mắt của mọi người. Cô Hoa không muốn về miền ngược, mà muốn có tấm chồng ở miền xuôi, nên cô cứ bám rịt lấy ông Phó Chủ tịch xã. Ông Khoa ăn vụng cố chùi mép, cố dấu, còn danh dự, uy tín để lên chức lên tước chứ, còn cô Hoa thì cố ý cứ khoe bung bét ra, cô dơ cái bụng to như cái trống, đòi về tận nhà ông Khoa “ăn vạ”.
- Đây là con anh Khoa, muốn làm gì thì làm với đứa bé con anh ấy. Bà Xuân, vợ ông Khoa lồng lên như con sư tử.
- Nó cứ nằm lăn ra nhà mình, chả nhẽ giết nó à. Bà Xuân bất lực nhìn con nhỏ cướp chồng mình.
- Đẹp mặt chưa, ông quan xã ơi. Không thể có chuyện, một nhà có hai bà, đa thê được, các đoàn thể vào cuộc… Bà Xuân đưa đơn lên tòa án huyện, dứt quyết đòi li dị, còn ông Khoa sượng sùng về với cô bồ trẻ. Trong kì bầu bán đó, mặc dầu “chạy” mất nhiều tiền, nhưng vụ “scandal tình ái” đã làm ông Khoa mất chức.
Ở làng Tẩm Thượng này, không biết có phải cái hiệu ứng từ vụ ông Khoa “ăn nem” không mà thời gian gần đây, mấy bà mấy cô quan tâm đến chuyện “chỉnh trang sắp đẹp” thế. Dào, chả bù cho trước kia, làm nghề nhà nông suốt ngày châm lấm tay bùn, lội ruộng bòm bọp, bùn đất dính đầy có quan tâm gì đâu. Từ khi làng Tẩm Thượng này, gần như toàn bộ ruộng đất được giao cho khu công nghiệp, thì giờ trở nên nhàn rỗi, mấy bác nông dân cũng rủ nhau gái gú, nên mấy chị em lo lắm, bảo nhau chăm chút sửa sang sắc đẹp lắm: ngực lép thì đi bơm silicon nâng ngực, bà có nước da đen rám nắng thì mua sữa tắm về thoa khắp người, bà có móng tay móng chân trước kia hay móc cua đen cáu bẩn thì sơn màu cánh gián… Cái chính của công cuộc chỉnh trang sắc đẹp của chị em, là giữ chồng! Mấy cụ già trong làng nói:
- Hỏng hết, hư hết, trước kia đến củ khoai cũng không có mà ăn, nay khi no cơm ấm cật đâm giậm giật… Hư thân mất nết.
Làng Tầm Thượng này, không chỉ ầm ĩ chuyện “scandal tình ái” của ông Khoa, mà nơi đây đang có khiếu kiện dai dẳng gay gắt. Mấy quan chức của xã, bị người dân viết đơn tố cáo lên trên là ăn chặn tiền đền bù đất của dân. Ông Khoa và hàng ngũ quan chức xã đang lo sót vó, chuyến này không chỉ mất chức, mà công an kinh tế và báo chí về địa phương điều tra, theo đơn thư.
- Thế chứ. Thảo nào mà các vị ấy có nhiều tiền thế. Nhà vị nào cũng to vật vã, giàu quá trớn, thừa tiền đi bao gái. Người dân nói, còn ông Khoa ngửa cổ lên trời than:
- Không biết có phải sao quả tạ chiếu mệnh không mà xui xẻo cứ ập xuống đầu tôi thế này? Giời ạ!

                                                                             Đặng Viết Trường

                                     48A- Lý Thường Kiệt- Hà Nội, ĐT: 0913.474.744