Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

THUYẾT TƯƠNG ĐỐI
Đặng Viết Trường
 
 
Truyện ngắn

 Chị thở dài, thế là xong… Chia tay.
Khi tòa hỏi, anh chị định phân chia tài sản như thế nào, chồng nói:
- “Tôi để lại toàn bộ nhà cửa cho cô ấy, tôi là người ra đi. Lỗi là tại tôi”.
-  “Tôi là người ra đi, tài sản là của anh ấy. Lấy nhau cũng chưa lâu, tôi cũng chả góp được gì cho anh ấy làm nhà!”. Người vợ thì nói.
Thế là thế nào, chả hiểu nổi. Trong đời thẩm phán Phan Thị Hòa đã làm chủ tọa nhiều phiên tòa nhưng chưa có phiên xử ly hôn nào mà nguyên đơn và bị đơn, đều cư xử với nhau tốt đến thế! Thường thấy là vợ chồng xỉ vả nhau thậm tệ, rồi khi chia tài sản thì ai cũng nói lý do để được nhận phần nhiều hơn. Khi còn yêu nhau thì bao lời có cách mặn nồng, còn khi chia tay thì người ta thậm chí chả thèm nhìn mặt nhau nữa. Còn phiên xử này thì đến là lạ.
Anh Sơn, chồng Linh… Vâng, Linh đã kỳ vọng anh là người chồng hoàn hảo. Nhưng, hóa ra không phải. Nhóm bạn thân từ hồi học đại học, những khi rỗi, hẹn gặp nhau là bao nhiêu chuyện, có khi ngồi quán cà phê, hay ăn sữa chua, cái Huyền cứ ríu ra ríu rít:
- “Chồng mày thế nào? Nhất mày rồi còn gì, trong nhóm mấy đứa chơi với nhau, mày với anh Sơn là đẹp đôi nhất đấy! Anh ấy hoàn hảo quá còn gì, tiến sĩ hóa học, lại làm ở một viện lớn, đẹp trai… Nói chung là chả chê được điểm gì!”.
Chị nghĩ, mấy đám bạn hình như ghen tỵ với mình, thì chồng chúng nó sao sách được với chồng mình. Đấy, chồng cái Huyền, người đâu vừa đen, vừa lùn, béo tròn béo trục. Trông củ mỉ cù mì.
Anh Sơn, suốt ngày ở viện nghiên cứu. Chị có lần đến tận nơi làm việc của anh, thấy anh được mọi người trong cơ quan đánh giá là một cán bộ nghiên cứu mẫn cán, say nghề và chỉn chu với công việc. Thế còn gì bằng, chị mỉm cười mãn nguyện. Và, nhất là anh rất quan tâm đến chị. Từ hồi năm cuối đại học, khi dự mùa hè sinh viên tình nguyện, anh đã phải bỏ công việc để đèo chị đi, rồi khi đoàn xe đi khuất mới về. Những ngày, chị đi tình nguyện ở một xã miền núi xa xôi của tình Hà Giang, anh liên tục hỏi thăm. Khi chị cho biết là bị cảm, nhức đầu thì anh bắt xe, tìm đến tận bản để thăm chị. Mấy đứa bạn của lớp ghen tỵ, hiếm có người yêu đứa nào lại được quan tâm như cái Linh. Linh cũng tự ý thức được rằng, mình sở hữu được tình yêu như vậy là không mấy ai có. Rồi Linh ra trường, anh dục cưới. Nhưng, Linh chưa chịu, nói rằng em còn phải học xong cao học, lấy bằng thạc sĩ mới cưới, chứ nếu cưới mắc việc gia đình thì không học được. Anh vì chiều người yêu nên cũng phải nói “yes”, kiên nhẫn chờ đợi.
Mặc dầu yêu nhau, nhưng lúc gần nhau, Linh chỉ có anh cầm tay, quá lắm thì chỉ cho anh “thám hiểm” vòng ngoài, bảo “để dành cho anh khi cưới” thôi. Anh cũng đồng tình, và không đòi hỏi gì hơn. Và, anh cũng không phải là người thích sống gấp, ngoài người yêu ra suốt ngày anh đóng đô ở viện nghiên cứu, xung quanh là hằng hà sa các loại lọ là lọ, hóa chất mà khi Linh đến thăm cũng hoa cả mắt, sây sẩm cả mặt mày. Có thể là do hóa chất chăng, nhưng anh thì suốt ngày ở căn phòng thí nghiệm đó mà không cảm thấy sao. Nhưng, dẫu sao anh lo tới chuyên môn, sự nghiệp như vậy thì là rất quý, chứ không như thanh niên bây giờ phần lớn đều thích hưởng thụ. Có những buổi chiều, khi người yêu vẫn miệt mài ở viện, thì Linh ngồi ở cửa sổ nhìn ra khoảng trời kia mà mơ mộng, mà nghĩ về anh. Rõ ràng anh là người đàn ông, người chồng hoàn hảo của mình rồi. Linh chưa chịu cưới ngay cũng là để làm cao với anh một tý, chứ trong thâm tâm cũng sợ mất anh. Vừa chợt nghĩ vậy, Linh liền “delete” luôn, mất làm sao được suốt ngày ở viện nghiện cứu như vậy, có đi chơi bời gặp cô gái nào nữa đâu mà mình lo mất.
Thế rồi, Linh cũng kết thúc khóa cao học, và lấy được bằng thạc sĩ kinh tế như cô đã xếp đặt mọi kế hoạch cho cuộc đời mình. Và, tất nhiên như dự tính, đám cưới của cô được chuẩn bị. Cứ nghĩ đến ngày cưới, mặc trên mình chiếc váy trắng muốt, đuôi váy dài lê thê giữa những tràng pháo tay của hai họ, mà cô ngập tràn hạnh phúc. Sơn, người đàn ông, một người chồng hoàn hảo của đời mình.
Hôm tân hôn, anh nằm vật ra giường. Thì anh mệt rồi, vì hôm nay tiếp bao nhiêu là khách, nâng ly với hết lượt các bàn, nên anh mệt là đương nhiên. Linh cởi bỏ giày, cởi áo ngoài cho anh. Bàn tay Linh run run, chưa bao giờ Linh có cảm giác ấy. Da thịt anh, da thịt người đàn ông, mà bấy lâu Linh khao khát, nhưng cố kìm nén chờ đến giây phút này. Anh nhổm dậy, ôm lấy vợ, kéo xuống. Đúng rồi, hôm nay là ngày tân hôn, dù thế nào thì cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Anh nghĩ thế, rồi anh luồn bàn tay vào trong làn áo của vợ. Ôi, da của nàng mềm như bún, và nóng rừng rực như lửa. Anh luồn lên phía trên. Bầu ngực căng tròn, nàng nằm im và chỉ có hơi thở là gấp gấp… chờ đợi. Mặc dù vụng về, nhưng anh cũng biết là mình phải làm điều gì. Hôm nay thì khá mệt. Nàng cũng biết, anh mệt, nên mọi việc hôm tân hôn chỉ có ý nghĩa thủ tục… Rồi, tuần trăng cũng diễn ra, ở một nơi rất lãng mạn. Sau kỳ nghỉ ấy, đám bạn gái của Linh lại họp, chúng nó xúm vào hỏi:
- “Thế nào, thế nào, tốt chứ?”.
-    “Thế nào là thế nào, tốt cái gì?”. Cái Huyền hỏi đáo để, mà nó là đứa hay “chọc ngoáy” nhất! Linh biết nó hỏi điều gì, nhưng biết trả lời ra sao? Đám bạn gái chơi với nhau, đã giao kèo là không dấu nhau điều gì kể cả những điều khó nói và tế nhị nhất. Cái Huyền nó còn khoe bô bô lên chuyện nó và người yêu “sinh hoạt” như thế nào, tuần mấy lần, và người yêu nó có chuẩn không. Nó quả quyết, “người yêu tao xấu trai và cù lần vậy thôi, nhưng cái khoản ấy hơi bị tốt đấy! Chuẩn không cần chỉnh!”. Linh chỉ hững hờ: “Ừ tốt lắm!”. 
Thẩm phán Phan Thị Hòa đã bao lần gọi anh chị lên hòa giải, giảng giải thiệt hơn. Vị thẩm phán băn khoăn rằng, anh chị là người có học thức, đều tốt như thế, cả hai đều chưa một lời chê nhau ở điểm gì, tại sao lại li dị? Nếu tôi giải quyết cho li dị thì nhanh thôi, nhưng để không phải li dị thì tốt hơn nhiều. Anh chị cứ nghĩ kỹ đi.
Linh nói với thẩm phán Phan Thị Hòa là nghĩ kỹ lắm rồi. Hai người đâu phải là trẻ con mà có quyết định bồng bột, hơn nữa đây là việc lớn. Đã bao lần thẩm phán Phan Thị Hòa đã giảng giải nhưng người thẩm phán biết rằng, sự cố công của mình vô ích, họ và nhất là Linh vẫn một mực đòi chia tay. Vì sao vậy, chắc là thẩm phán Phan Thị Hòa không hiểu được. Linh trách, sao chị Hòa lại không tự đoán ra, chuyện tế nhị ai lại kể ra, nguyên nhân chia tay là do anh ấy… Nhưng, trong những buổi hòa giải của chị Phan Thị Hòa, Linh đều khẳng định anh Sơn là người chả có gì phải chê trách cả. Có điều gì mấu thuẫn ở đây không? Chị Phan Thị Hòa nói với Linh, tôi không nghĩ trên đời này lại có cái gì hoàn hảo cả, ông Einstain có thuyết tương đối đó thôi. Nhưng, anh Sơn như vậy thì chẳng có lý do thuyết phục để em đòi li dị cả. Em hãy nghĩ kỹ lời chị nói.
Thế rồi, yêu cầu li dị của vụ li hôn Sơn- Linh cũng được đáp ứng. Mặc dầu, theo hội đồng xét xử, từ xưa đến nay thì đây là vụ li dị rất khó hiểu, khi hai người liên tục nói tốt về nhau.
Anh Sơn, người vừa chia tay, chỉ có Linh là biết, anh ấy mọi cái chuẩn, nhưng mỗi chuyện phục vụ vợ mỗi đêm thì anh ấy làm không được tốt lắm! Linh nghĩ rất nhiều, chồng cái Huyền củ mỉ cù mì như vậy mà, còn anh Sơn cao to, đẹp trai có ai nghĩ rằng, cái ấy cũng anh lại không chuẩn không? Hoàn toàn không. Linh nghĩ, có thể anh làm ở Viện Hóa học, hóa chất đã làm hao mòn năng lực làm chuyện ấy của anh???. Linh đã sưu tầm bao nhiêu là loại thuốc bổ giúp chồng cải thiện, nhưng chả có biến chuyển gì. Thôi chia tay, Linh thở phào. 
Và, khi chia tay chồng xong Linh buồn một thời gian. Tuy vậy, Linh vẫn đều đặn buổi sáng tập Aerobic, chiều tập Yoga để duy trì một “body” hoàn hảo. Chả ai nghĩ Linh đã một đời chồng, “body” vẫn chuẩn không cần chỉnh. Bao nhiêu đồng nghiệp và những mối quan hệ công việc, Linh dễ dàng có bao nhiêu cuộc hẹn hò khác, nhưng Linh phải chắt lọc trong đó ra, ai là người hoàn hảo, người mà Linh cần? 
Có một người có thể là tương đối. Tương đối ư? Sao không phải là hoàn hảo, Linh đã hạ tiêu chuẩn rồi ư? Đó có thể là Linh nghe lời cái Huyền là “hạ bớt tiêu chuẩn xuống, mình một đời chồng rồi còn gì nữa mà cao ngạo!”. Anh này tên là Bình, mọi cái của anh cũng bình bình thôi. Để cho chắc ăn, Linh và anh cũng là của nhau một số lần, xem có ổn không? Lần này, Linh “đổi mới tư duy”, có vẻ “thoáng” hơn khi nói với mấy con bạn, trong đó có cái Huyền rằng, “Ok!”.  Chả còn lí do nào để không cưới ngay cả. Dù cho Linh có nhan sắc, ai cũng phải khen Linh đẹp, nhưng thời gian luôn là kẻ thù của nhan sắc. Càng trù trừ, thì mình càng… mất giá! Đám cưới được tổ chức.
Nhưng khi vào cuộc sống vợ chồng, thì mọi tật xấu của nhau mới dần lộ ra, không thể nào che được. Thì thôi, Linh đã hạ tiêu chuẩn rồi còn gì, bây giờ từ “chấp nhận” Linh dùng nhiều hơn. Như con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, chả nên tìm kiếm làm gì, khi cỏ ở đâu thì cũng không hoàn toàn là cỏ ngon nhất. Ấy nhưng, anh Bình có đức tính mà xưa nay Linh ghét cay ghét đắng. Đó là tính gia trưởng. Khi còn ở nhà, bố Linh đã là quá gia trưởng, biến mẹ Linh như con ở phục dịch ông mọi điều. Chính vì vậy, Linh tâm niệm, mình có nhan sắc, cố gắng học hành thật tốt, kiếm được người chồng giỏi giang, hoàn hảo. Trước khi cưới tìm hiểu thật kỹ, ai mắc bệnh gia trưởng, dù chỉ một tý thôi cũng cần phải loại luôn ra, không bao giờ vấp vào vết xe đổ mà mẹ đi qua. Linh kể với Huyền: 
- “Đi làm về, đã mệt thì chớ, nếu như là anh Sơn chồng trước thì anh ra tươi cười hỏi “em mệt không?”. Rồi, bưng cốc nước lọc đưa cho. “Nếu em mệt thì nghỉ đi, anh nấu ăn cho”. Còn anh Bình này thì mình vừa về, đã thấy anh ta nằm dài trên ghế, gác chân lên bàn, đọc báo… Anh ta không thèm nhìn Linh, gắt “cô làm gì mà giờ này mới về, có biết là quá bữa của tôi không?”. Khi đó, Linh lủi thủi đi nấu cơm, xong lại dọn ra đâu đấy, mời anh dậy ăn. Ăn xong, Linh lại dọn từ A- đến Z. Đã rất mệt vì công việc ở cơ quan đã rất nhiều, Linh bàn với Bình là nên thuê người giúp việc. Anh chối phắt đi: - “Tôi lấy cô về làm gì? Không nấu cơm được cho chồng thì bảo, có cần tôi lấy vợ lẽ không?”. Trong những quyết định của gia đình, không bao giờ có dân chủ, Linh không được tham gia dù là ý nhỏ. Anh luôn áp đặt mọi cái, nói: - “Đàn bà tóc dài, đầu ngắn. Biết gì! Tôi lấy cô về không phải để cô cãi tôi nhem nhẻm…”. Thế có bực không?
Ôi, ghét của nào trời trao của ấy. Bình, người chồng mới của Linh gia trưởng thậm tệ, điều tệ cái là đến khi lấy nhau mới phát hiện ra. Anh ta quả là người dấu tâm dấu tính quá tài. Và, lại một lần nữa chia tay là một kết quả nhỡn tiền… Tuy vậy, Linh cũng lăn tăn, tính gia trưởng như vậy, nhưng cái “chuyện kia” anh ta làm thì quá tốt! Hằng đêm, anh ta làm cho Linh vô cùng thỏa mãn! Tuy vậy, bù trừ đi, thì Linh vẫn quyết định không thể tiếp tục sống với anh ta được.
Chiều chủ nhật, ngồi buồn, Linh nhớ lại lời chị Phan Thị Hòa, thẩm phán. Chị ấy đã nói về cái thuyết tương đối của ông Alber Einstain gì đó. Việc kiếm tìm sự tuyệt đối là vô vọng, nhiều khi chỉ chuốc lấy sự mệt mỏi về mình.
Linh nhớ lại, mối tình đầu, anh Sơn quá tốt. Kỷ niệm, anh ấy đã bắt xe lên tận Hà Giang vì sợ mình ốm. Anh Sơn bây giờ thế nào rồi nhỉ? Qua một vài người bạn, Linh biết anh cũng mới tái lập gia đình với một người làm giáo viên. Giáo viên, chắc an phận thủ thường, chứ không cao vọng như mình. Ôi, anh Sơn, sao anh đã vội lấy lại vợ sớm thế. Nếu như lúc này, anh vẫn chưa có ai, thì biết đâu mình lại về bên nhau.
                                                                              
Đặng Viết Trường
48A- Lý Thường Kiệt- Hà Nội, ĐT: 0913.474.744
 

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012


Bà Bao Công nhỏ

 Tặng chị Nguyễn Thị Tú, Thẩm phán Toà Dân sự, TAND Tối cao.


Vừa chân ướt chân ráo về, Tú đã bị ông Chánh án huyện căn vặn: 
- Cô với bị cáo có quan hệ gì với nhau không? Tại sao, hôm nay xử bị cáo, cô làm Thư ký mà cô lại tỏ ra thân mật, đèo bị cáo như vậy?
- Dạ, cháu không có quan hệ gì đâu. Chỉ là, chỉ là… Tú lắp bắp giải thích với ông chánh án. Rồi, Tú tự hỏi, mà mình làm như vậy có sai không?
Ngày đó Tú vừa tốt nghiệp lớp đại học pháp lý, được điều về một Tòa án huyện vùng trung du. Hôm đó, Tú được phân làm Thư ký cho một phiên lưu động ở một xã xa trung tâm. Trời mùa hè nắng như đổ lửa, trải cái nóng bỏng như chảo rang trên con đường đất Tú đến nơi xử án. Trên đường đi, Tú gặp một thanh niên đang cuốc bộ. Tú đã dừng lại cho người thanh niên đó đi nhờ. Trên đường đi Tú mới biết, đó là Mùa A Tráng, là bị cáo trong vụ án mà cô là thành viên xét xử. Cũng vì thương anh ta đi đầu trần mà cuốc bộ vội…  
Chỉ là lòng thương người, mà Tú bị ông Chánh án thay, không cho làm Thư ký phiên xử đó nữa. Tú khóc rưng rức. Nhưng, đó là bài học đầu đời khi bước chân vào nghề. Tú nhớ lại… Chuyện đó đã ba mươi năm rồi còn gì. Hôm nay, khi vừa làm chủ tọa phiên tòa, là phiên kết thúc năm mà Tú cứ bần thần chuyện xưa…
Trong phòng xử án, mọi người đã ra về hết, không còn tiếc khóc van lơn của bị cáo khi bị tuyên, không còn tiếng ồn ào của đám đông dự khán… Chỉ còn mình Tú ngồi thừ trên bàn chủ tọa, vắng và yên ắng đến lạnh người. Vẫn là chốn pháp đình, với những hàng ghế đen nhẵn bóng, mòn vẹn do đã bao người ngồi, bao số phận con người đã được định đoạt. Tú xách cặp lững thững bước ra ngoài sân tòa. Bóng tối nhập nhoạng. Chả còn ai. Không còn cái ồn ào của những phiên tòa chật ních người đến dự, bây giờ chỉ có tiếng lá xà cừ, lá sấu rơi nhẹ trên sân tòa. Bác bảo vệ đến gần: “Ô, chị chưa về à. Tôi đã định đóng cửa…” Tiếng bác bảo vệ làm chị gật mình dừng dòng nghĩ suy, trở về với thực tại.
Về tới nhà, chị để chiếc cặp trên bàn mà mặt mày cứ bần thần, căng thẳng như chính mình bị hỏi cung. Chị nghĩ về phiên tòa phúc thẩm hôm nay, xử một vụ án giết người. Một con bé oshin, đang tâm giết hai vợ chồng ông cụ già, để lấy đi mấy trăm triệu trong két sắt.
Trong đời thẩm phán của mình, có những vụ án thoáng qua, nhưng cũng có không ít vụ án để lại dư chấn, làm chị đau nhói trong tim. Chị tuyên án xong mà thấy trong lòng nặng trĩu và mệt nhoài. Lúc nghị án, hội đồng xét xử gồm 5 người thì 4 người bỏ phiếu tử hình, còn một phiếu chung thân là của chị.  Quyết định một án tử hình luôn là không hề đơn giản, trái tim chị đã nhiều lúc run rẩy vì đau cho những phận người. Khi tuyên án con bé này tử hình, giọng chị đã lạc đi. Về nhà, bên chồng và bên đứa con yêu, chị ngồi thừ ra không ăn cơm. Đứa con chỉ nhìn mẹ rồi nhìn ba:
- Hay là ba có lỗi gì với mẹ. Hay là mẹ ốm, mẹ ốm thế nào thì cũng phải nói ra chứ? Mẹ cứ làm thế ba con con sợ lắm. Hay là ba có lỗi gì với mẹ? Anh cũng tự hỏi:
- Em ơi, hay anh có lỗi gì với em? Mấy hôm anh đi công tác phía Nam, theo kế hoạch là một tuần về, nhưng sau do công việc phát sinh, chưa giải quyết xong nên về không đúng như nói với em. Em cho anh xin lỗi nhé! Đừng giận anh mà tội nghiệp anh! Chị cứ nghe anh giãi bày như vậy, mà cười thầm trong lòng: “Ai giận anh chứ, chồng em ngoan như vậy thì ai thèm giận”. Nhưng chị buồn, nên chả nói ra, khiến anh càng lo thêm. Anh lại giảng giải tiếp:
- Em làm thẩm phán mà em chả nhân đạo tý gì, anh đã có lỗi anh xin lỗi rồi mà em không khoan hồng. Pháp luật của chúng ta rất nhân đạo mà, em xử người ngoài thì nhân đạo còn với anh thì hình như là không?  Anh dù thỉnh thoảng ông tác xa dài ngày như vậy, nhưng không hề làm điều sai với em. Em mà cứ đọc báo, nghe người ta nói là “ăn chả ăn nem”, hay ngoại tình gì đó là không đúng đâu. Anh xin thề là anh chưa khi nào phản bội em. Em cứ im lặng làm anh sợ lắm! Anh nói thế làm chị không chịu được, chị nói:
- Khổ lắm phu quân của em ơi, chưa khảo mà anh đã cung khai. Anh là bị cáo hơi bị ngoan đấy. Chủ tọa đã hỏi đâu mà khai nhiều thế, khai thật thà để được khoan hồng à. Anh có lỗi nào đâu. Em buồn và bị stress là việc khác, việc cơ quan.
Chuyện gì vậy, vụ xử hôm nay làm gì mà khiến chị day dứt vậy: Bị cáo giết người, nó là con bé còn tuổi “teen” cùng quê, đồng hương với mình nữa chứ. Đó là vùng quê nằm trên dòng sông Hóa. Con bé nhà quê, vốn chăm chỉ hạt bột, có năm lên phố làm oshin mà nó thay đổi đến thế. Nó đua đòi ăn chơi, lại bập vào yêu một thằng tóc đỏ hue… Nghe theo người yêu nó giết gia chủ, ăn cắp tiền đi chơi Valentine. Chị run lên vì giận dữ, cứ nhìn cái mặt nó cứ câng câng lên, trả lời chủ tọa cứ tưng tửng chả có cảm xúc... Thôi, cho nó tử hình. Một quyết định khó khăn. Bao đêm thao thức nghiên cứu hồ sơ vụ án, chị đã không ngủ được. Chồng chị hỏi, “em đi ngủ thôi, thức khuya là hại sức khỏe lắm! Em có điều gì muộn phiền à, anh có thể giúp gì?”. Anh gặng hỏi, chị chỉ ậm ừ.
Đọc hồ sơ rồi chị nhớ lại bằng tuổi nó bây giờ, cũng ở vùng quê ấy, chị đang đi học. Khi đó hai chị em, sống cùng mẹ và ông bà nội. Mẹ tảo tần nuôi hai chị em ăn học, và chăm sóc ông bà nội, vì ba chị đi “B” vào Nam chiến đấu. Ba là công an vũ trang, được phái vào Nam thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Khi đi, ông chỉ nói: “Con ở nhà mạnh giỏi. Con bảo em con cũng phải học giỏi, ba đi rồi ba lại về…”. Tiễn cha nơi phố huyện nghèo, Tú còn nhìn theo cha vẫy vẫy tay thì đoàn xe với những người lính mặc áo xanh với mũ tai bèo đi khuất. Nước mắt Tú rịn ra dàn dụa… Đó là lần chia tay ba cuối cùng, ba không về với ba mẹ con nữa, không về với ông bà nội nữa. Bị cáo hôm nay, con bé này cùng quê nghèo ấy đã làm tuổi ấu thơ của chị hiện về như vậy. Nó bằng tuổi chị khi ấy, mà lại đang tâm giết người…
            Xử xong vụ án này, chị như rạc người đi. Anh phải đi cắt mấy thang thuốc bắc về cho chị uống, cho lại người. Chị nói, em chả có bệnh gì đâu, anh và con đừng có lo, em hay cả nghĩ, chỉ nghĩ ngợi linh tinh tý thôi, rồi em sẽ ổn. Chị nói với chồng và con là về thăm quê, vì công việc bận rộn nên lâu chưa về quê. Về quê cũng là về miền êm ái, là cách để lấy lại thăng bằng, như sau bất kỳ những va đập nào nơi phố thị. Quê chị, bên bờ sông Hóa rất đẹp. Chị ngồi trên bờ đê, gió thổi mát rượi mà bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ hiện về, với những ngày vừa ôm sách học bài vừa trông trâu, còn thằng em nghịch ngợm hay thả diều trên triền đê với những rặng tre ngăn ngắt. Con sông Hóa hiền hòa, tuy cũng có năm lũ lụt đe dọa cả làng. Hôm nay triền đê hoang hoải gió, và cái nắng hanh hao, như đưa lại những kỷ niệm từ xa xưa…  Năm ấy, chị trọ học ở trường huyện cách nhà hơn 10 cây số, mà đi bộ. Năm ấy là đại hồng thủy, nước lũ về tràn qua mặt đê, cánh đồng Cổ Cò của làng ngập trắng nước. Mẹ và em trai chạy ra ngoài đình chỗ đất cao, khóc đứng khóc ngồi vì đứa con đi học chưa về. Bà lo. Chồng hi sinh chiến trận, đứa con là cục vàng cục bạc, nó có mệnh hệ nào thì bà sao sống nổi.
Từ những bức thư từ chiến trường xa của ba, chị đọc cho cả nhà nghe ấy, mà nuôi dưỡng tình yêu văn học nơi chị. Trong các khối lớp, chị luôn là học sinh giỏi văn. Những bài văn của chị luôn được cô giáo đọc làm mẫu cho cả lớp, và những bài thơ đăng báo tường. Chị thi vào khoa văn thế rồi, run rủi hay định mệnh thế nào người ta lại được phân chị vào khoa pháp lý. Trên giảng đường, chị nhớ lời thầy dạy: “Các anh các chị, khi đứng là chủ tọa phiên tòa, là thẩm phán, khi xét xử thì “nhân danh nước CHXHCN Việt Nam”, có ngành nào lại nói rõ là “nhân danh” cả một đất nước mấy chục triệu người, với lịch sử văn hiến 4 ngàn năm không? Anh chị vinh dự vậy thì phải tỏ ra xứng đáng. Anh chị nên nhớ, ngay khi chúng ta đang ngồi đây học tập thế này, thì có hàng triệu người con trai con gái lớp lớp ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, để các anh các chị có đất nước mà nhân danh đấy! Phải biết tự hào về cái nghề nghiệp của mình”. Ba chị, là một trong cái lớp lớp người ấy, ông đã hi sinh ngoài chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, kỷ niệm ấy in đậm trong tâm trí, trong cuốn sổ nhật ký bằng thứ giấy đen màu rơm vàng lại càng vàng hơn qua thời gian. Không ngờ, thay vì yêu văn học, trái tim nhạy cảm của chị bắt đầu yêu ngành Tòa án, vô tình và giản dị thế.
            Nếu như người ta nói, sau người đàn ông thành đạt thì hậu phương là người phụ nữ đảm đang, thì cả anh chị đây đều thành đạt và đều là hậu phương vững cho nhau. Anh khen và yêu chị vì chị nữ tính, một người con gái giàu tình cả. Điều đó cũng làm anh ngạc nhiên, tính cách của chị như vậy mà làm ngành tòa án, có vẻ tréo ngoe! Và cả đám bạn từ hồi học phổ thông ở quê, cũng không ai ngờ, chị lại là thẩm phán, là một quan tòa ở trung ương, có quyền sinh quyền sát trong tay với bao số phận con người. Khi về họp lớp, cùng mấy người bạn học thăm lại thầy giáo làng năm xưa, thầy giáo cứ nắm tay Tú mà rằng, thầy không ngờ cô bé học giỏi văn, làm thơ rất hay và cũng hay nhút nhát, có lần thầy chỉ mắng nhẹ cũng đã khóc ty tỷ thế mà bây giờ làm bao công xử án.

            Chị bàn với chồng:
- Em chỉ còn công tác vài năm nữa. Khi nghỉ hưu, anh cho phép em làm những gì em thích nhé?
- Tất nhiên rồi, anh luôn ủng hộ em. Anh nói.
- Là thế này, em ý định mở một văn phòng luật tại nhà. Tất nhiên văn phòng luật không vì mục đích kinh doanh, mà để tư vấn pháp lý miễn phí cho những người nông dân nghèo nhưng trình độ hạn chế. Em đau lòng lắm, khi nhiều người nông dân rất nghèo từ các tỉnh rất xa, lên Hà Nội kiện cáo, mà xuất phát từ những lý do không đâu vào đâu. Rồi người ta tố cáo vượt cấp, gửi đơn tố cáo đến cơ quan không đúng chức năng, hay vượt cấp, làm cho xã hội cứ rối tinh lên không đáng có. Xã hội muốn phát triển phải chăm lo cho cái gốc, công lý phải được tôn trọng, đó là mục đích của việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Việc bảo đảm công lý, kỷ cương xã hội, nơi người thấp cổ bé họng là nhiệm vụ và thước đo sự tiến bộ của một nhà nước. Trước kia, ở Thăng Long, nhà vua cho đặt chiếc trống gọi là trống Đăng Văn, để có người dân nào bị oan ức thì cứ gióng ba hồi thì nhà vua sẽ trực tiếp ra xét xử. Tất nhiên khi đó xã hội đâu có phức tạp như bây giờ, xã hội càng phát triển thì các rường mối quan hệ càng phức tạp… Nhiều vụ mà người dân phạm do vô tình không hiểu pháp luật, mà bị vướng vào vòng lao lý.
            - Ôi, em ơi. Em bỏ nghề Thẩm phán, làm nghề Tuyên giáo cho anh đấy à! Đêm cuối năm, khi cả nhà vừa ăn tất niên, chuẩn bị đón giao thừa, chị ôm anh, nói:
- “Em xin lỗi anh, vì em cả nghĩ, vì em đã mang cái lo nghĩ về nhà mình. Chúng ta đã thống nhất, việc cơ quan cứ để cơ quan, không đem về gia đình nhỏ của mình rồi. Nhưng em…”.
 - Ồ vậy à, thế mà anh cứ tưởng em giận anh cái vụ anh đi công tác lâu ngày, rồi bồ bịch với cô nào. Mà bà Bao Công nhỏ của anh! Làm Bao Công phải cứng rắn lên chứ, em mà yếu đuối thì bọn tội phạm nó cười cho đấy! Chị đấm thùm thụp vào lưng chồng.
Ngoài kia, giao thừa đang về, đem theo mùa xuân tới.

                                                                       

                                              

QUAN XÃ

                                                        Truyện ngắn của Đặng Viết Trường 

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Sự việc thế mà rồi bung bét ra... Hơn nữa, ông Bùi Đình Khoa còn là quan chức của xã, sự việc cứ um cả lên, bởi có ai bịt được mồm thiên hạ đâu. Cặp bồ với nữ công nhân khu công nghiệp, không chỉ tan cửa nát nhà, quan xã còn mất chức, mà còn là đối tượng điều tra tham nhũng đất đai…

Lá đơn li dị của bà Xuân đã được tòa xem xét. Tòa án huyện gọi hai vợ chồng ông Bùi Đình Khoa lên để hòa giải, phải rõ ràng ra. Hôn nhân một vợ một chồng, không thể có chuyện ăn ở đa thế như thế được. Cũng vì dính vào vụ “scandal tình ái”, nên con đường quan lộ của ông Khoa, Phó Chủ thịch xã tưởng như diều đang lên thì bị đứt dây. Ông Khoa đã tốn bao tiền chạy chọt để khóa này lên Chủ tịch, ấy vậy khi sát nút thì dính vụ này, nên đối thủ đã vượt lên.
Mấy năm gần đây, ở vùng phía Nam của thành phố Hải Phòng, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp chuyển biến thành khu công nghiệp diễn ra phải nói là nhanh. Không khỏi ngỡ ngàng, khi cả vùng rộng lớn trước kia là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay thì nay thành nhà máy xí nghiệp. Thế là tất yếu, từ khắp xứ công nhân kéo đến. Nông dân bị mất đất nông nghiệp, được đến bù những khoản tiền lớn mà có khi họ nằm mơ, cũng chả dám nghĩ tới. Từ những chuyển biến ấy, mà xảy ra những chuyện dở khóc dở cười ở chốn làng quê.
Khi chả còn ruộng nữa, thì đàn bà chả có chỗ mà cấy hái; đàn ông chả có chỗ mà cày bừa nữa. Người ta nói, khi nhàn quá thì dễ sinh ra những việc làm không thiện. Đàn ông suốt ngày la cà quán xá, hết đánh lô đề, bia bọt, lại nháy nhó với nhau đi chim chuột. Người dân làm nông nghiệp khi mất đất thì nhàn như vậy, nhưng hàng ngũ quan chức của xã thì quá nhiều việc. Như ông Khoa, từ ngày lên chức Phó Chủ tịch xã thì cứ đi tối ngày. Bà Xuân, vợ ông cũng thông cảm cho chồng, vì công việc lãnh đạo, công tác sự vụ, nhất vì việc giải phóng mặt bằng, bên trên đốc thúc thì lãnh đạo xã phải thực hiện. Hết công việc, lại người nọ chèo người kia kéo lão đi nhậu, giao lưu. Đúng là từ ngày trên địa bàn xã mở mấy nhà máy, lãnh đạo xã cũng bận rộn. Trong những lúc làm ăn, quan hệ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền, không chỉ đãi đằng nhau ăn uống nhậu nhẹt, mà cả rủ nhau đi chơi em út. Bà Xuân, khi đi chợ cũng biết, cả cái tuyến quốc lộ chạy qua làng, từ khi có khu công nghiệp mở ra, cũng mở ra hàng loạt quán cà-phê, karaoke đèn xanh đỏ nhấp nháy tới khuya, con gái con đứa ăn mặc hở hang, mắt xanh mỏ đỏ không biết ở đâu đổ về nhiều thế. Ông Khoa, đi sớm về khuya nói là do công việc nhưng theo mấy bà bạn mách thì cả “đi ngang về tắt”.  Đến tai bà Xuân, bà đã vặn hỏi chồng:
- Ông liệu cái hồn đấy! Tôi nghe dư luận nói, người ta nhìn thấy ông  vào cái nhà nghỉ có quán karaoke của mụ gì ấy… Ông Khoa nổi xung lên, nói át cả vợ:
- Bà cứ nghe đặt điều. Bà không biết tôi đang vất vả phấn đấu vì cái nhà này à. Bà xem, Bí thư đã có ô tô đi, tôi đang phấn đấu lên Chủ tịch, năm sau cũng sắm cái Lacetti, thỉnh thoảng chở bà đi mà chả sướng à. Giờ bọn chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư nó đang cần mình, giúp lấy đất cho nó. Mình giúp nó, thì nó chi tiền bó túi mà chả sướng à. Mấy anh lãnh đạo huyện cũng động viên, “chú cũng phải làm cái xế hộp mà đi, vừa cho nó đẹp đội hình, mà bọn doanh nghiệp nó đỡ khinh!”. Bà Xuân nghe chồng nói vậy cũng có lí, hởi lòng hởi dạ. Thì thôi, ông ấy là lãnh đạo, quan hệ ngoại giao rộng là lẽ thường, thì hôm về muộn cũng là đương nhiên.
Chả bao lâu sau, dù chưa lên chức Chủ tịch, nhưng ông Khoa cũng cố gắng và đã sắm được con xế hộp. Một buổi chiều hiếm hoi ông Khoa ở nhà, đang cầm cái chổi lông lau lau bụi trên mặt kính ô tô, cười híp mắt nói với tôi:
- Cũng phải cố gắng sắm chứ. Khi có việc, lãnh đạo huyện ới một cái là phải lên đường ngay. Việc ngoại giao không đùa được, nó phải tươm một tý. Chú trông anh bụng to thế này, giờ ngồi bình bịch không thể được.
- Ngạc nhiên là ông anh tiến bộ nhanh quá! Tôi khen.
- Đúng là ngồi xế hôp nó vẫn khoái! Theo các bố trên huyện cũng mệt ra trò, nhưng làm lãnh đạo cũng có cái hay!
- Hay quá chứ, mà mấy ai được cái số sướng như ông anh! Tôi khen thêm. Hôm ấy, tôi có vinh dự được lai rai với hàng ngũ quan chức của xã. Khi đã được vài chầu, câu chuyện đã thân tình, hết chuyện về đất cát, khu đồng này giải tỏa, khu đồng kia sắp có dự án, lại về chuyện gái gú. Anh Khoa vỗ vai tôi, hỏi:
- “cái kia” của chú còn tốt không? Làm thằng đàn ông, “cái kia” mà yếu thì buồn lắm! Làm vua, hay làm tướng ở đâu đâu, cũng vứt đi, nếu để chị em buồn… Anh Khoa lại cười híp mắt, nháy nháy đầy ẩn ý.
- Nhưng, nếu “khỏe quá” thì “khổ vợ khổ con” chứ! Tôi nói. Anh Khoa lại vỗ vai tôi cái “bộp” một cái:
- Chú em ra ngoài, nhưng xem ra vẫn còn ngu ngơ hơn cánh thôn quê chúng tôi. Con mái già nhà anh ở nhà thì xếp xó  ở đấy, phải “viễn chinh” bên ngoài chứ, chú nghĩ anh không có “căn cứ” à?
- Kiếm ở đâu thế, ông anh? Tôi thật thà hỏi.
- Đầy. Gái ở khu công nghiệp nhà mình chứ đâu xa. Rau sạch ấy, toàn gái quê chân chất cả. Chú biết lương của nó được bao nhiêu không, hơn một triệu. Thử hỏi chú, tivi nói ấy, lạm phát thế thì sống sao nổi. Khi đó, anh cầm tiền  đi làm từ thiện, anh cho mấy em xinh xinh ấy chút tiền. Em ấy vừa thiếu tình, vừa thiếu tiền mà.
À, tôi hiểu rồi. Thảo nào bà chị Xuân, khi thấy thiên hạ nói về chồng mình “đi ngang về tắt” thì cứ lồng lên, nhưng chỉ nghe thôi, có tang chứng nào đâu. Nhưng, thật ra thì tôi biết được tang chứng. Anh Khoa, Phó Chủ tịch dan díu với cô Hoa, người dân tộc Thái ở Hòa Bình xuống đây làm công nhân da giày. Tuổi mới lớn mơn mởn, Hoa đẹp rục rỡ như bông hoa ban nở sớm mai. Chỉ là “ăn vụng, ăn trộm” tý chút thôi, nhưng không hiểu do sắc đẹp, hay do bài bùa mê thuốc lú của người dân tộc mà ông Khoa không dứt ra được. Thế rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, hơn nữa là dư luận làng nước, tai mắt của mọi người. Cô Hoa không muốn về miền ngược, mà muốn có tấm chồng ở miền xuôi, nên cô cứ bám rịt lấy ông Phó Chủ tịch xã. Ông Khoa ăn vụng cố chùi mép, cố dấu, còn danh dự, uy tín để lên chức lên tước chứ, còn cô Hoa thì cố ý cứ khoe bung bét ra, cô dơ cái bụng to như cái trống, đòi về tận nhà ông Khoa “ăn vạ”.
- Đây là con anh Khoa, muốn làm gì thì làm với đứa bé con anh ấy. Bà Xuân, vợ ông Khoa lồng lên như con sư tử.
- Nó cứ nằm lăn ra nhà mình, chả nhẽ giết nó à. Bà Xuân bất lực nhìn con nhỏ cướp chồng mình.
- Đẹp mặt chưa, ông quan xã ơi. Không thể có chuyện, một nhà có hai bà, đa thê được, các đoàn thể vào cuộc… Bà Xuân đưa đơn lên tòa án huyện, dứt quyết đòi li dị, còn ông Khoa sượng sùng về với cô bồ trẻ. Trong kì bầu bán đó, mặc dầu “chạy” mất nhiều tiền, nhưng vụ “scandal tình ái” đã làm ông Khoa mất chức.
Ở làng Tẩm Thượng này, không biết có phải cái hiệu ứng từ vụ ông Khoa “ăn nem” không mà thời gian gần đây, mấy bà mấy cô quan tâm đến chuyện “chỉnh trang sắp đẹp” thế. Dào, chả bù cho trước kia, làm nghề nhà nông suốt ngày châm lấm tay bùn, lội ruộng bòm bọp, bùn đất dính đầy có quan tâm gì đâu. Từ khi làng Tẩm Thượng này, gần như toàn bộ ruộng đất được giao cho khu công nghiệp, thì giờ trở nên nhàn rỗi, mấy bác nông dân cũng rủ nhau gái gú, nên mấy chị em lo lắm, bảo nhau chăm chút sửa sang sắc đẹp lắm: ngực lép thì đi bơm silicon nâng ngực, bà có nước da đen rám nắng thì mua sữa tắm về thoa khắp người, bà có móng tay móng chân trước kia hay móc cua đen cáu bẩn thì sơn màu cánh gián… Cái chính của công cuộc chỉnh trang sắc đẹp của chị em, là giữ chồng! Mấy cụ già trong làng nói:
- Hỏng hết, hư hết, trước kia đến củ khoai cũng không có mà ăn, nay khi no cơm ấm cật đâm giậm giật… Hư thân mất nết.
Làng Tầm Thượng này, không chỉ ầm ĩ chuyện “scandal tình ái” của ông Khoa, mà nơi đây đang có khiếu kiện dai dẳng gay gắt. Mấy quan chức của xã, bị người dân viết đơn tố cáo lên trên là ăn chặn tiền đền bù đất của dân. Ông Khoa và hàng ngũ quan chức xã đang lo sót vó, chuyến này không chỉ mất chức, mà công an kinh tế và báo chí về địa phương điều tra, theo đơn thư.
- Thế chứ. Thảo nào mà các vị ấy có nhiều tiền thế. Nhà vị nào cũng to vật vã, giàu quá trớn, thừa tiền đi bao gái. Người dân nói, còn ông Khoa ngửa cổ lên trời than:
- Không biết có phải sao quả tạ chiếu mệnh không mà xui xẻo cứ ập xuống đầu tôi thế này? Giời ạ!

                                                                             Đặng Viết Trường

                                     48A- Lý Thường Kiệt- Hà Nội, ĐT: 0913.474.744

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Giáo sư Dương Quảng hàm: Có một gia đình người Hà Nội như thế 

Ngôi nhà xưa yêu dấu

Ngày cuối năm, ngôi nhà số 98B Hàng Bông như chật lại, vì những người con, cháu của gia tộc tụ họp đầy đủ để cùng nhau làm giỗ cố GS Dương Quảng Hàm.

Ngôi nhà này khá rộng rãi, có ba tầng do chính GS Dương Quảng Hàm thiết kế, là nơi ở của hai vợ chồng giáo sư và 8 người con. Đã trên 60 năm đi qua, ngôi nhà mà nay người con thứ Dương Trọng Bái đang ở, cảnh vật dường như vẫn còn nguyên. Về ngôi nhà và nền nếp sinh hoạt trong ngôi nhà ấy, nhà văn Lê Văn Ba, người cháu đằng vợ, được giáo sư nuôi từ nhỏ nhớ lại: “Ngôi nhà 98B phố Hàng Bông của GS Dương Quảng Hàm là một ngôi nhà thiết kế xây dựng theo kiểu mới. Đó là ngôi nhà ba tầng, bê tông cốt sắt. Các gian phòng đều có trần cao 4 m. Sàn lát gạch hoa. Cửa sổ có cửa kính, cửa chớp, cửa ra vào đều là những cánh pa-nô gỗ lim, mùa hè được thay bằng những cánh cửa có chấn song cho gió lùa thoáng mát. Trong nhà có đèn điện, quạt trần, máy nước.

Tại ngôi nhà 98B Hàng Bông, năm 1935, đứa con trai út ra đời. Vậy là ông bà có đủ 8 mặt con, bốn trai, bốn gái”. Về nền nếp sinh hoạt của người trong nhà, ông Lê Văn Ba nói tiếp: “Đúng 6 giờ, giáo sư bước vào phòng khách, quần áo chỉnh tề, mái tóc chải ngôi giữa còn hơi ướt vì ông vừa tắm gội xong. Bà giáo cũng vào ngồi bên chồng. Hai vợ chồng thưởng thức chén trà buổi sớm. Rồi ông thong thả giở tờ nhật báo Đông Dương. Vừa đọc cho vợ nghe những tin tức hấp dẫn, ông vừa ân cần giải thích cho bà hiểu những từ khó. Như trong mục “Bàn cờ thế sự” thì phe Trục đánh nhau với phe Đồng Minh, mỗi phe gồm những nước nào? Trân Châu Cảng ở đâu? Hai ông bà nguồi uống trà, đọc báo cho nhau nghe, từ lâu là biểu tượng của hạnh phúc gia đình. Sáng nào cũng thế, những chén trà mở ra một ngày mới tràn ngập vui tươi. Rồi, ông đạp xe đến trường dạy học. Bà ở nhà bận rộn với cửa hàng. Nhiều khi bà lên phố cất hàng…”. 

Nhưng rồi, những ngày tháng êm đềm như thế không còn nữa, khi phát xít Nhật tấn công Lạng Sơn, Trường Bưởi bị lấy làm trại lính… Ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 qua đi, rồi toàn quốc kháng chiến…, mỗi số phận con người cũng xoay vần theo dòng bão táp của lịch sử dân tộc.

Truyền thống gia đình
 
GS Dương Quảng hàm được sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, ở ngôi làng mà nghe đến tên đã biết là trù phú – làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, Hưng Yên. Là đất “địa linh nhân kiệt”, cụ nội là Dương Duy Thanh (1804-1861), từng là Đốc học Hà Nội; anh cả là Dương Bá Trạc, đỗ Cử nhân năm 17 tuổi, một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, bị đày đi Côn Đảo năm 1909; anh trai thứ ba là Dương Tự Nguyên sang Nhật theo phong trào Đông Du; em trai út là Dương Tự Quán là nhà biên khảo, thân sinh ra nhà thơ, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý… Hiện nay ở Tp. Hồ Chí Minh có ba con đường mang tên Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm và Dương Tự Quán. Ở Hà Nội và Hưng Yên có đường Dương Quảng Hàm và trường học mang tên Dương Bá Trạc. Họa sĩ Dương Bích Liên là anh em con chú bác với GS. Dương Quảng Hàm.
Sau khi đỗ thủ khoa Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông Dương Quảng Hàm được về dạy tại trường Trung học Bảo hộ, tức là trường Bưởi danh tiếng. Trong thời gian dạy ở đây, GS Dương Quảng Hàm đã viết nên những cuốn kinh điển như: Leccons d’ histoire d’ An Nam (1927), Tập bài thi bằng sơ học yếu lược (1926, soạn cùng Dương Tự Quán), Quốc văn trích diễm (1927), Việt văn giáo khoa thư (1940). Song có giá trị nghiên cứu rõ rệt là hai cuốn Việt Nam văn học sử yếu (1941) và Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942).

Trong cuốn sách viết về người bác nuôi, nhà văn Lê Văn Ba viết: Thực dân Pháp muốn lấy lòng các giáo sư người Việt, đã cho các giáo sư tốt nghiệp cử nhân ở Pháp về được lĩnh lương Tây. Một số giáo sư tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương trong đó có GS Dương Quảng Hàm cũng được đề nghị vào “ngạch” Tây, hưởng lương Tây cao hơn “lương ta” gấp 3 lần. Nếu kể cả phụ cấp vợ, con, có người đang từ 15- đồng sẽ lĩnh mỗi tháng 1.000 đồng (giá gạo ngon vẫn chỉ 2 đồng/ tạ). Nhưng Dương Quảng Hàm cùng nhiều bạn đồng nghiệp đã từ chối… Giữ vững sự phân biệt, ở thời điểm này là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, cũng là thể hiện phẩm chất, danh dự người thầy, người Việt Nam.

Nhiều cuốn sách về nghiên cứu văn học ra đời trong khoảng thời gian đó: “Việt Nam văn hóa sử cương”, “Thi nhân Việt Nam”, “Nhà văn hiện đại”… nhưng bộ “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm xuất bản năm 1941 được đánh giá có quy mô bao quát và chiều sâu học thuật hơn cả.

Dương Quảng Hàm trăn trở với hoàn cảnh đất nước lúc ấy: “Giả sử các nhà cầm quyền nước ta về đầu thế kỷ XIX biết, sau khi đã dẹp yên trong nước, một mặt thì canh cải việc nội chính, ngoại giao cho hợp thời thế, một mặt thì đón thầy chuyên ngoại quốc đến mở trường dạy các khoa học, các kỹ nghệ để chỉnh đốn việc binh bị, việc kinh tế và phái người nước ta sang du học bên châu Âu để học lấy những kho thực dụng, những phương pháp mới rồi về chủ trương việc chính trị và việc khai thác tài nguyên trong xứ thì nước ta cũng có thể trở nên một nước giàu mạnh được. Hiềm vì triều đình nhà Nguyễn và sĩ phu trong nước lại cứ theo khuôn phép cũ không hề canh cải điều gì…”.

Trong 9 câu mở đầu của cuốn “Việt Nam văn học sử yếu”, ông láy đi láy lại nhiều lần “lịch sử nước ta”, “văn học sử của ta”, “những tác phẩm của ta”, “văn tịch nước ta”, “sử sách nước ta”… Hai tiếng “nước ta, của ta” vang lên tha thiết, làm thức tỉnh ý thức dân tộc trong trái tim thế hệ trẻ. Điều đáng ngạc nhiên, cuốn sách này, những lời ái quốc thiết tha này là của một người đang ở ngay trong “pháo đài” của trung tâm giáo hóa của chủ nghĩa thực dân – trường Bưởi.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, GS Dương Quảng Hàm được Chính phủ cách mạng cử làm Hiệu trưởng ngay chính ngôi trường này, sau khi đổi tên là Trường Chu Văn An, đồng thời là Thanh tra Trung học vụ.

Giáo sư với các con

Người ta thường tìm những từ có ý nghĩa nhất đặt tên cho các con. Đây là biểu hiện tình cảm yêu thương, sự kỳ vọng ở lớp trẻ, ở thế hệ tương lai. Cũng là nét văn hóa thể hiện sự nối dõi dài lâu dòng giống, nối chí, nối nghiệp ông cha họ tộc.

Nối tiếp truyền thống gia đình, và ước nguyện gửi gắm sâu xa của cha, cả 8 người con đều đi theo cách mạng, đều cố gắng học tập, nghiên cứu, đóng góp xứng đáng cho xã hội, được xã hội trân trọng: Người con cả là Bác sĩ, thạc sĩ Dương Bá Bành; con trai thứ là AHLĐ. GS. NGND Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội; người con gái Dương Thị Thoa, tức Lê Thi, cô gái Hà Nội có vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trên quảng trường Ba Đình trong Lễ Độc lập 2-9-1945, sau là Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin; Bác sĩ Dương Thị Cương được phong danh hiệu Giáo sư, Bác sĩ, Viện trưởng Viện Phụ sản Trung ương, từng đoạt giải Kovalevkaia… Hiện nay, bốn người con còn sống, cùng với những người cháu đang viết tiếp truyền thống vinh quang của đại gia đình.

Mỗi năm các gia đình trong dòng họ cùng nhau viếng thăm nghĩa trang gia tộc ở xã Mễ Sở. Trong nghĩa trang, có một ngôi mộ tượng trưng, đặt bia ghi danh là GS Dương Quảng Hàm, nhưng bên dưới thì không có cốt. Vì giáo sư cùng với hàng nghìn người khác đã hy sinh trong nội thành, trong 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà không tìm thấy thi hài.

Khi Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Việt Bắc, và nhân dân Hà Nội di tản, khi vợ con di tản về quê, người của cách mạng đến bảo vệ GS Dương Quảng Hàm đi theo đoàn, thì giáo sư nói: “Chỉ mới có lệnh của Chính phủ cho học sinh tản cư, chưa có lệnh cho hiệu trưởng tản cư”. Thế là, GS Dương Quảng Hàm, cùng với người con là Lê Thi, nữ sinh Trung học, làm cán bộ tuyên truyền của Liên khu I đã ở lại chiến đấu cùng với các cảm tử quân. Giáo sư đã hy sinh, thân xác hòa lẫn với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi này.

Đặng Viết Trường
Nguồn: Báo Công Lý

CÁC DẤU HIỆU VỀ CĂN BỆNH UNG THƯ


Có những triệu chứng tưởng chừng rất mơ hồ nhưng nếu bạn không chủ quan, sớm nhận biết và được chẩn đoán đúng, nhiều khả năng giúp bạn "thoát" được những căn bệnh hiểm nghèo.

  1. Dấu hiệu cảnh báo ung thư
Khi ung thư vừa phát sẽ không thấy đau đớn hay có dấu hiệu nào nên các xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng. Khi ung thư phát triển theo các loại khác nhau, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể xuất phát từ nguyên nhân khác. Nên đi gặp bác sĩ. Trong nhiều trường hợp phát hiện và điều trị ung thư càng sớm càng có nhiều cơ may chữa dứt bệnh

Ung thư bàng quang:

- Tiểu ra máu. Nước tiểu có màu đỏ sậm hay mờ nhạt, lợn cợn.
- Đau buốt khi tiểu..
- Đi tiểu nhiều lần hay tiểu gấp

Ung thư vú:

- Cảm thấy có một cục u dày lên trong ngực, vùng xung quanh, dọc theo vùng xương cổ và dưới bầu vú hay vùng nách.
- Thay đổi kích cỡ hay hình dáng bầu vú.
- Chảy nước (không phải sữa) hay máu từ núm vú.
- Thay đổi màu sắc hay cảm giác ở da vú. Núm vú, hay quầng vú (vùng thâm xung quanh núm vú). Da vú bị co rút, nhăn hay có vảy.

Mặc dù hiếm, đàn ông vẫn có thể bị ung thư vú và nếu thấy một cục trong vú nên đi gặp bác sĩ.

Ung thư đại tràng, trực tràng:

- Thay đổi thói quen đi cầu
- Táo bón. Đi cầu nhiều lần và hay phân lỏng bất thường.
- Cảm thấy ruột luôn đầy.
- Máu nằm trong hay ngoài phân. Có thể màu đỏ sậm hay đỏ tươi.
- Phân ra hẹp hơn bình thường.
- Bao tử phình to, đầy hay co rút.
- Thường sình hơi.
- Sụt cân không lý do.
- Mệt mỏi thườ;ng xuyên.

Ung thư thận:

- Tiểu ra máu
- Một khối ở vùng hông
- Đau mơ hồ vùng lưng hay vùng hông
- Ho không rõ nguyên nhân trên ba tuần

Ung thư phổi:

- Ho kéo dài, có thể là ho vì hút thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tức ngực. Có người bị đau lưng.
- Khàn tiếng.
- Thở đứt quãng hay khò kkhè.
- Viêm phổi hay viêm cuốn phổi nhiều lần.
- Ho ra máu.
- Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân.
- Cảm thấy vai, cánh tay, bàn tay yếu đi.

Ung thư buồng trứng:

Thường không có triệu chứng sớm. Khi có triệu chứng, các dấu hiệu bao gồm:
- Sưng nề hay khó chịu vùng bụng dưới
- Cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn nhẹ. Sụt cân và chán ăn
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn ói
- Tiêu chảy, bón hay tiểu nhiều lần
- Chảy máu từ âm đạo
Thường thì ung thư đã phát tán ở thời điểm phát hiện

Ung thư tuyến tiền liệt:

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không có triệu chứng.
Nếu có, các dấu hiệu này là:

- Đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm
- Khó tiểu, nhất là lúc bắt đầu, khó giữ lại nước tiểu hay không tiểu được
- Dòng nước tiểu yếu hay bị gián đoạn
- Đau hay cảm giác rát bỏng khi đi tiểu
- Đau khi phóng tinh
- Máu trong nước tiểu hay tinh dịch
- Đau kéo dài hay cứng vùng phía dưới lưng, hông hay bắp đùi.

Ung thư tinh hoàn:

-Một khối ở tinh hoàn
- Cảm giác nặng ở bìu
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới hay ở hang
- Đột ngột có nước ở bìu
- Đau hay khó chịu một bên tinh hoàn hay bìu
- Vú to lên hay nặng
Đàn ông từ 15 tuổi trở lên nên tự khám tinh hoàn đều đặn để phát hiện khối u hay thay đổi kích thước, hình dạng tinh hoàn

Ung thư họng:

- Khàn tiếng hay thay đổi giọng nói
- Khối ở vùng cổ hay cảm giác có một cục trong họng
- Ho kéo dài
- Khó nuốt. Cảm giác nặng hay rát bỏng khi nuốt
- Thường xuyên bị khó tiêu và nóng ngực. Hay bị ói hay nghẹn.
- Đau trong ngực hay trong họng

2. Những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường:

1/3 người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh.
Nên đi gặp bác sĩ ngay nếu bạn có ít nhất một trong các dấu hiệu sau :
- Tiểu nhiều lần
- Khát quá mức
- Đói quá mức
- Sụt cân bất thường
- Mỏi mệt
- Bứt rứt
- Mờ mắt

Ở tiểu đường loại 1, các triệu chứng diễn ra nhanh chóng hơn. Với loại này, cơ thể không tạo được Insulin hay số lượng rất ít

Ở tiểu đường loại 2, các triệu chứng diễn ra chậm hơn. Cơ thể không tạo ra đủ Insulin hay tạo ra không đúng cách. Loại này thường gặp ở người trên 40 tuổi, béo phì và không tập thể dục.
Tiền tiểu đường xảy ra trước khi bị tiểu đường loại 2. Chẩn đoán và điều trị loại này giúp bạn không bị tiểu đường loại 2.
Tiểu đường có thể diễn ra âm thầm không triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng

3. Những dấu hiệu cảnh báo lên cơn đau tim (heart attack):

- Khó chịu ở ngực. Thường diễn ra trên vài phút hay biến mất rồi bị lại, cảm giác giống như đè ép, nặng ngực hay đau.
- Khó chịu ở nửa trên thân người. Có thể đau hay khó chịu ở một hay hai tay hay ở lưng, cổ, hàm hay vùng bao tử
- Thở gấp.Thường đi kèm với khó chịu ở ngực nhưng cũng có thể xảy ra trước đó
- Các triệu chứng khác. Bao gồm vã mồ hôi lạnh, buồn ói hay đầu óc quay cuồng

Triệu chứng thường gặp nhất ở cả nam lẫn nữ là đau hay khó chịu ở ngực... Nhưng phụ nữ thường có thêm các dấu hiệu khác như thở gấp, buồn ói và đau lưng hay đau hàm

Nếu có dấu hiệu cảnh báo đau tim, nên đi cấp cứu ngay

4. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ (stroke):

- Đột ngột bị tê hay yếu ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên người
- Đột nhiên bị lẫn lộn, khó nói chuyện hay nói bậy bạ vô nghĩa
- Đột ngột khó nhìn ở một hay hai mắt
- Đột ngột khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng hay không phối hợp được
- Đột ngột nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

Đây là hướng dẫn chung. Nếu bạn có nhiều nguy cơ bệnh tật, các xét nghiệm nên làm sớm hơn. Các xét nghiệm phụ trợ như tầm soát tiểu đường hay tăng nhãn áp cũng có thể cần thiết. Nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.